Xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2014

Theo gso.gov.vn

Xuất khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 đạt 12,4 tỷ USD tăng 408 triệu USD so với ước tính. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh so với số ước tính: Dầu thô tăng 299 triệu USD; dệt may tăng 94 triệu USD; giày dép tăng 143 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện các loại giảm khá mạnh so với ước tính với mức giảm 589 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 ước tính đạt 12,1 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tính đạt 8,2 tỷ USD, giảm 2,7%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tháng Sáu giảm so với tháng trước: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 11%; dầu thô giảm 29,4%; sắt thép giảm 24,8%; thủy sản giảm 9,8%. Một số mặt hàng đạt kim ngạch tăng cao: Cao su tăng 37,9%; hàng dệt may tăng 13,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,3%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Sáu tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,1 tỷ USD, tăng 11,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 47,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng kim ngạch và tăng 16,6%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6%; hàng dệt may 60,2%; giày dép 78,1%; máy móc thiết bị và phụ tùng 89,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng 95%; máy vi tính và linh kiện 98,4%. Trong 6 tháng đầu năm nay, mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 11 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực kinh tế trong nước đóng góp 3,9 điểm phần trăm.

Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 17,1%; hàng dệt may đạt 9,3 tỷ USD, tăng 18,2%; giày dép đạt 4,8 tỷ USD, tăng 21,9%; thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 26,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,4 tỷ USD, tăng 20,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16%; cà phê đạt 2,1 tỷ USD, tăng 24,8%; túi xách, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, tăng 38,1%; hạt điều đạt 848 triệu USD, tăng 22,2%; hạt tiêu đạt 819 triệu USD, tăng 53,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng khá là: Dầu thô đạt 4,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,9 tỷ USD, tăng 12,8%; sắt thép đạt 966 triệu USD, tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, giảm 4,8%; gạo đạt 1,5 tỷ USD, giảm 5%; cao su đạt 651 triệu USD, giảm 32,3%; sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD, giảm 12,1%; than đá đạt 335 triệu USD, giảm 38,2%.

Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng, EU vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch một số mặt hàng đạt giá trị tăng: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7%; giày dép tăng 22,1%; hàng dệt may tăng 23,2%; hải sản tăng 25,7%. Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 19,5% với kim ngạch một số mặt hàng tăng: Hàng dệt may tăng 13,7%; giày dép tăng 21,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17%; điện thoại tăng 543,5%. Thị trường ASEAN đứng thứ 3 với 9,6 tỷ USD, tăng 4,8% với một số mặt hàng tăng: Điện thoại tăng 6,5%; dầu thô tăng 19,7%; máy móc tăng 26,1%. Tiếp đến là Trung Quốc với 7,4 tỷ USD, tăng 20,8%, trong đó dầu thô tăng 336,2%; gạo tăng 5,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 763,4%; xơ, sợi dệt các loại tăng 52,7%. Thị trường Hàn Quốc ước tính đạt 2,9 tỷ USD, giảm 3,5%, trong đó kim loại thường khác và sản phẩm giảm 2%; than đá giảm 5,6%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013 (từ 45,6% xuống 45,4%). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 36,8%, giảm so với mức 37% của cùng kỳ năm 2013 với kim ngạch đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,3%. Nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2013, chiếm tỷ trọng 12,8% so với mức 13% của năm 2013. Hàng thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỷ trọng 5%, tăng so với mức 4,5% của cùng kỳ năm 2013.

Nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 5/2014 đạt 12,8 tỷ USD, tăng 377 triệu USD so với số ước tính, trong đó kim ngạch một số sản phẩm thay đổi nhiều: Sắt thép cao hơn 315 triệu USD; phương tiện vận tải khác và phụ tùng cao hơn 158 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu ước tính đạt 12,3 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,95 tỷ USD, tăng 1,8%; khu vực các doanh nghiệp trong nước đạt 5,35 tỷ USD, giảm 10,1%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tháng Sáu giảm so với tháng 5: Sắt, thép giảm 68,6% do quy định về quản lý chất lượng sắt, thép có hiệu lực từ ngày 01/6/2014; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 71,9% do tháng 5 nhập khẩu máy bay; chất dẻo giảm 5,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 11,9%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 15,6%; khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 12,1%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,3 tỷ USD, tăng 11,6%. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng chủ yếu ở các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước như: Điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy  móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10,5 tỷ USD, tăng 22,2%; vải đạt 4,6 tỷ USD, tăng 17,9%; xăng dầu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 15,1%; chất dẻo đạt 3 tỷ USD, tăng 10,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,3 tỷ USD, tăng 28,5%; kim loại thường khác đạt 1,6 tỷ USD, tăng 17,4%; sản phẩm hóa chất đạt 1,5 tỷ USD, tăng 16,2%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 25%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,2%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 497 triệu USD, tăng 53,9%; bông đạt 828 triệu USD, tăng 43,8%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với kim ngạch ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013 với một số mặt hàng đạt giá trị tăng: Máy móc tăng 30,3%; điện thoại tăng 11,3%; vải tăng 25,6%; sắt thép tăng 35,5%. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng với giá trị ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2%. Thị trường ASEAN đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,9%, trong đó xăng dầu tăng 6,6%; máy móc tăng 26%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 144,3%; chất dẻo tăng 8,4%. Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 4,7% với mặt hàng máy vi tính tăng 2%; máy móc thiết bị tăng 12,2%; vải tăng 10,5%. Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 1,5%, trong đó máy móc tăng 15,7%. EU đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5% với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 69,9%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 3,8%; sữa và sản phẩm từ sữa giảm 8%. Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 24%, trong đó máy vi tính tăng 41,1%; máy móc thiết bị tăng 13,7%; bông tăng 19,3%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính chiếm 93,4% (năm 2013 là 93,3%) với kim ngạch đạt 64,96 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 36,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (cùng kỳ năm trước là 36,1%) với kim ngạch đạt 25,3 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2013; tỷ trọng nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu là 57,1%, xấp xỉ cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch đạt 39,7 tỷ USD, tăng 10,7%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm tỷ trọng 6,6%, không biến động so với tỷ trọng của cùng kỳ năm trước với kim ngạch ước tính đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9,5%.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 cùng tăng nên mức nhập siêu đạt 369 triệu USD, xấp xỉ số ước tính 400 triệu USD. Nhập siêu tháng 6 ước tính 200 triệu USD, bằng 1,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, kéo xuất siêu 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 1,3 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong 6 tháng, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu khá cao với 8,5 tỷ USD, tăng 47,5%; khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 7,2 tỷ USD, tăng 6,5%. Nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước tăng chưa thể khẳng định sản xuất trong nước phục hồi vì phần lớn hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hoạt động gia công, lắp ráp của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.