6 nội dung tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện với lao động phi chính thức

Lê Hà

Với mục tiêu tăng nhanh độ bảo phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), trong những năm qua, ngành BHXH đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH, tuy nhiên, đến nay số người tham gia BHXH vẫn tăng khá chậm. Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, để tăng diện bao phủ BHXH cần phải tạo niềm tin, thay đổi nhận thức của người dân về những lợi ích khi tham gia BHXH.

Đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc và 2% so với bảo hiểm thất nghiệp.
Đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc và 2% so với bảo hiểm thất nghiệp.

Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp

Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó ít được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. Vì vậy, thực hiện BHXH cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động trong khu vực phi chính thức nói riêng được xem vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng thực hiện “BHXH toàn dân”, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá. Số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên qua các năm, từ trên 6 nghìn người tham gia năm 2008 đến nay đã có trên 231 nghìn người đóng BHXH tự nguyện, tổng số thu từ đóng góp 10 năm qua lên trên 6.416 tỷ đồng.

Mức đóng góp bình quân năm 2013 là 2,7 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng lên trên 5,7 triệu đồng, cho thấy giá trị đóng góp và sự hưởng ứng của người dân đã được tăng lên đáng kể. Số người nghỉ hưu hằng năm tăng nhanh, tính đến năm 2017 đã có trên 35 nghìn người hưởng lương hưu của BHXH tự nguyện, mức lương hưu bình quân đạt gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 138% so với mức lương cơ sở, cao gấp hơn 3 lần so với trợ cấp giảm nghèo chung cả nước. Ngoài ra, việc người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đã giúp họ vượt qua khó khăn, rủi ro, bệnh tật khi tuổi cao sức yếu.

BHXH tự nguyện bước đầu đáp ứng được nhu cầu bảo đảm các chế độ dài hạn, như hưu trí và tử tuất cho khối lao động thuộc khu vực phi chính thức; công tác quản lý và tổ chức thực hiện cũng đã được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tính hiệu quả áp dụng của loại hình BHXH này.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc và 2% so với bảo hiểm thất nghiệp và chiếm chưa đầy 0,6% so với lực lượng lao động thuộc diện tham gia, điều này dễ thấy mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện là rất thấp và vẫn còn trên 99% lực lượng lao động chưa tham gia, họ là những đối tượng tiềm năng cần khai thác.

Với số thu bình quân mỗi năm đạt trên 642 tỷ đồng, nếu chia đều bình quân cho các tỉnh/thành phố thì mới ở mức 10,2 tỷ/năm, số này là chưa đáng kể so với số nguồn thu bảo hiểm khác và còn rất khiêm tốn. Tốc độ tăng trưởng qua các năm của BHXH tự nguyện chưa ổn định, số người tham gia tăng nhanh vào các năm 2012 và 2013 lần lượt 38% và 26% nhưng từ năm 2014 trở đi lại giảm dần.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam đạt thấp là do nhận thức của người lao động về BHXH còn hạn chế; các chế độ BHXH tự nguyện hiện nay chưa hấp dẫn đối với người lao động và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được tiến hành đồng bộ, hiệu quả; người lao động làm việc ở khu vực nông thôn, trong hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện.

6 nội dung tăng diện bao phủ BHXH

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu là phát triển thêm đối tượng mới và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống. Cụ thể:

Một là, giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới sẽ tập trung vào việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, như có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Hai là, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Ba là, đổi mới phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng, miền; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện với việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH.