Bảo hiểm thoái vốn làm "nóng" giới đầu tư

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Trong năm nay, nhiều "ông lớn" trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thoái vốn, dự kiến thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thống kê cho thấy, thị phần của 5 doanh nghiệp đầu ngành đang chiếm hơn 60% và đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH) và CTCP PVI (PVI) đang là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần với lần lượt 22% và 15,2%. Tiếp theo là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã: PTI) với 10,1%; Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã: BIC) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã: BMI).

"Ngóng" thương vụ thoái vốn

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng ngành bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 là khả quan, mặc dù kinh doanh không có nhiều đột biến, một phần nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng sẽ cải thiện mạnh mẽ khi các thương vụ thoái vốn, nới "room" diễn ra.

Trong năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến sẽ tiếp tục triển khai quá trình thoái vốn. Cụ thể, PVN sẽ tiếp tục nỗ lực thoái vốn tại PVI sau khi chưa hoàn tất kế hoạch theo lộ trình trước đó; BMI sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng sẽ nằm trong danh sách thoái vốn của Nhà nước trong năm nay.

Đại diện một tập đoàn của Nhật Bản chia sẻ, rất quan tâm đến lộ trình thoái vốn tại các công ty bảo hiểm, trong đó có 2 doanh nghiệp là PVI và BMI.

Thực tế, nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài đã góp vốn ở hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và vẫn có tham vọng sở hữu thêm cổ phần của các công ty bảo hiểm này.

Nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài đã góp vốn ở hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và vẫn có tham vọng sở hữu thêm cổ phần của các công ty bảo hiểm này.

Dù được đánh giá có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song thị trường bảo hiểm phi nhân thọ mới chỉ đạt mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Trong khi đó, hiện nay, đời sống của người dân Việt Nam tăng cao, nhu cầu sử dụng bảo hiểm ngày càng lớn. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá thị trường này còn nhiều dư địa để phát triển.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra dự báo về thị trường phi nhân thọ sẽ tăng trưởng ở mức 11%-12% trong năm 2020.

Về thị trường bảo hiểm năm 2020, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dự đoán tổng tài sản ước đạt 514.795 tỷ đồng (tăng 13,30% ); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 433.063 tỷ đồng (tăng 15,01%). Cùng với đó, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 334.939 tỷ đồng, tăng 17,13%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 188.730 tỷ đồng, tăng 18,42%.

Nhà đầu tư muốn tăng sở hữu

Theo giới phân tích, nếu đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài không thể tính đến chuyện sẽ gia tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu lên chi phối - hình thức đầu tư thường được nhắm đến trong các thương vụ mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam.

Biết rõ điều này, nên các nhà đầu tư ngoại muốn thông qua doanh nghiệp Việt Nam để có sự hiện diện sâu tại thị trường, thay vì hình thức văn phòng đại diện như hiện nay.

Một nhà đầu tư chia sẻ: "Không dễ để có thể vượt qua những "cây đa, cây đề" của làng bảo hiểm Việt Nam vươn lên vị trí dẫn đầu, nhưng khi thời cơ đến thì phải nắm lấy. Sở hữu cổ phần hoặc mua bán - sáp nhập với một công ty bảo hiểm khác chính là con đường duy nhất để chúng tôi có thể trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn mạnh nhất thị trường này".

Ví dụ như trường hợp của BMI, dù tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài hiện là 49% vốn điều lệ, gồm các cổ đông: SCIC nắm giữ 50,7% cổ phần, Tập đoàn Tài chính bảo hiểm AXA (Pháp) sở hữu 16,65% cổ phần, Công ty TNHH Firstland sở hữu 6% cổ phần, số cổ phần còn lại do các cán bộ - nhân viên Bảo Minh và cổ đông bên ngoài nắm giữ.

Tuy nhiên, cổ phiếu BMI vẫn đang được khá nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm. Chẳng hạn, dù đang sở hữu 6% cổ phần của BMI, nhưng cổ đông Firstland vẫn bày tỏ mong muốn được nâng tỷ lệ cổ phần bằng cách tiếp tục mua vào cổ phiếu BMI trên thị trường chứng khoán.

Trường hợp của Firstland là một ví dụ cho thấy, tìm kiếm các cơ hội đầu tư từ việc bỏ vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam đang thuộc diện thoái vốn vẫn là phương án được nhiều tập đoàn nước ngoài, tập đoàn tư nhân trong nước tính đến.