Bảo hiểm xã hội tự nguyện - điểm tựa khi về già

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội công bố tại cho thấy, trong số 13,4 triệu người già, có khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc chật vật mưu sinh kiếm sống. Số còn lại, đa phần được hưởng lương hưu có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, có thẻ BHYT do quỹ BHXH cấp miễn phí để yên tâm sinh sống, an hưởng tuổi già nhờ vào việc đã tham gia BHXH.

Là một tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí không đồng đều nhưng tại tỉnh Kon Tum, nhiều người dân, người lao động từ lâu đã hiểu được giá trị của chính sách BHXH.

Ông A Thiêng, 106 tuổi, dân tộc H’Rê (ở thôn Vi Kơ Lâng, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là một trong những người già hạnh phúc khi có lương hưu. Ông A Thiêng từng có thời gian tham gia cách mạng, sau đó làm Bí thư Chi bộ xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) và Huyện ủy viên, Chủ tịch Mặt trận huyện Kon Plông. Sau bao năm lao động, cống hiến, ông A Thiêng bắt đầu được hưởng lương hưu từ tháng 01/1977. Đến nay, ông đã có gần 44 năm hưởng lương hưu với mức lương hưu hằng tháng là 4 triệu đồng.

Nhờ có lương hưu, ông A Thiêng đã sống an vui ở tuổi xế chiều bên con cháu mà không phải vất vả làm ruộng, nương rẫy để lo cho cuộc sống như nhiều người già nơi đây. Số tiền lương hưu của ông hằng tháng, có thể không lớn với nhiều người, song ở vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn như thôn Vi Kơ Lâng, số tiền ấy thậm chí còn hơn cả thu nhập của một hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều người già trong làng, trong xã Hiếu thì đó còn là cả một niềm mong ước…

Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe…là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia BHXH bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi về già.

Theo chia sẻ của ông Bùi Minh Nhật, trước đây ông làm nghề tự do, mãi gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, khi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên ông rút BHXH một lần, nhưng ông nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Do vậy, ông đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu.

Cũng giống ông Nhật, nhiều người dân tại tỉnh Kon Tum làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê…đã và đang lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH của toàn tỉnh là 47.246 người, trong đó BHXH tự nguyện là 8.023 người (tăng 358 người so với tháng trước). Qua thực tiễn triển khai chính sách BHXH cho thấy, niềm tin của người dân trên địa bàn đối với chính sách này ngày càng rõ nét, qua đó chính sách BHXH, BHYT đã tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp Nhân dân.

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động thuộc khu vực phi chính thức đều được tham gia BHXH. BHXH Việt Nam - cho biết, sau 12 năm triển khai, đặc biệt từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá. Cụ thể, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt trên 277 nghìn người tham gia.

Tuy nhiên, dù người tham gia BHXH tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Do đó, mới đây BHXH Việt Nam đã có đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH toàn dân để mọi người dân đều được tham gia vào lưới an sinh và có chính sách BHXH chia sẻ, đảm bảo cuộc sống khi về già.

Cụ thể, tại Công văn số 1180/BHXH-TST, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Lao động -Thương binh và xã hội báo cáo, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Việc tăng mức hỗ trợ nhằm để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động.