"Bí quyết" phát triển đối tượng BHXH tự nguyện

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Trong 9 tháng đầu năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là 844,7 nghìn người, tăng 381,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này có được là nhờ công tác tuyên truyền được đổi mới, từ đó giúp người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, con số tăng trưởng về BHXH tự nguyện trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giúp đạt 137,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, vượt kế hoạch được giao 231.000 người.

Đổi mới phương thức tuyên truyền

Để đạt được kết quả như vậy, vai trò và nhiệm vụ của các hệ thống BHXH cấp cơ sở là rất quan trọng. Nhìn lại quá trình phát triển BHXH tự nguyện thời gian qua, ông Phan Văn Rí, Giám đốc BHXH huyện U Minh, BHXH tỉnh Cà Mau cho biết, cuối năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện là 243 người, chiếm 0,24% dân số. Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện của U Minh rất thấp do công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng dân cư gặp rất nhiều khó khăn.

Xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách BHXH thông qua đổi mới công tác tuyên truyền. 
Xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách BHXH thông qua đổi mới công tác tuyên truyền. 
 

Sau những trăn trở đi tìm giải pháp hiệu quả, bản thân ông Rí đã nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân. "Tôi nhận thấy, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả thì phải bám sát đối tượng và tuyên truyền trực tiếp tại từng thôn xã", ông Rí chia sẻ.

Tính hết tháng 8/2020, toàn huyện U Minh có thêm 900 người tham gia mới, nâng tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện là 2.296 người, chiếm 2,27% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức, tăng 1.794 người so với cuối năm 2018, tăng 751 người so với cuối năm 2019 (bình quân mỗi tháng tăng 150 người).

"Bên cạnh việc vận động, phát triển được người dân tham gia BHXH tự nguyện thì làm sao để quản lý tốt đảm bảo đối tượng tham gia cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Đối với những trường hợp thay đổi phương thức đóng, mức đóng hoặc dừng đóng để bảo lưu... thì phân công viên chức quản lý và đại lý liên hệ hỗ trợ ngay, cố gắng làm sao không để đối tượng dừng đóng hay lựa chọn nhận BHXH một lần để lo trước mắt mà mất đi quyền lợi lâu dài", ông Rí phân tích.

Tương tự,  tại tỉnh Hưng Yên, năm 2018, mặc dù đã áp dụng đồng bộ rất nhiều biện pháp nhưng cả tỉnh mới có 86,64% dân số tham gia BHYT; 28,9% người dân tham gia BHXH; đối tượng người dân tham gia BHXH tự nguyện chỉ là 1.384 người.

Để đẩy mạnh phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT, đầu năm 2019, Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên đã phát động thi đua với chủ đề “Mỗi công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống BHXH tỉnh Hưng Yên là một tuyên truyền viên vận động người dân tham gia BHXH, BHYT”, với chỉ tiêu mỗi tháng, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động phát triển ít nhất 1 người tham gia BHXH tự nguyện và 2 người tham gia BHYT hộ gia đình trở lên.

Giúp người dân nhận ra lợi ích 

Theo bà Trần Thị Minh Thịnh, chuyên viên BHXH huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên), phong trào thi đua như một luồng gió mới, tạo khí thế thi đua rộng khắp tới các tập thể, cá nhân trong BHXH tỉnh Hưng Yên.

Bản thân bà Thịnh đã tự đề ra cho mình những giải pháp để áp dụng nhằm tuyên truyền, vận động hiệu quả người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đó là: chuẩn bị nội dung tư vấn cho người dân, làm sao họ thấy quyền lợi ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT; tư vấn mức căn cứ đóng phù hợp; xác định đối tượng tư vấn. Đồng thời, quản lý thật tốt đối tượng đang tham gia bằng cách hỏi thăm, quan tâm, chia sẻ cuộc sống để giữ vững niềm tin của người tham gia...

"Niềm đam mê, tâm huyết đó của tôi đã được đơm hoa, kết trái. Kết quả năm 2019, tôi đã vận động được 185 người tham gia BHXH tự nguyện (gấp 15,4 lần chỉ tiêu phong trào thi đua năm 2019 do Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên phát động), góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn huyện Ân Thi lên 1.391 người (tăng 6,6 lần so với năm 2018) và toàn tỉnh là 8.730 người (tăng 6,3 lần so với năm 2018), đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong công tác tuyên truyền và vận động người dân", bà Thịnh chia sẻ.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, ngành BHXH sẽ tập trung xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách BHXH qua việc tập trung đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Thông qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.

Ðồng thời, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó, kiến nghị, đề xuất: Sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.