Chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra tại nhiều địa phương

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Trước tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản; triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là thông báo kết luận tại Hội nghị thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019 mới đây.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi BHXH
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi BHXH
 

Theo báo cáo tại Hội nghị thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tích cực hưởng ứng cuộc vận động tham gia chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Đặc biệt, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 5,23%, giảm 1,49%; tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân năm 2018 đạt 88,7%, dự kiến năm 2019 là 90%; đời sống người lao động và người dân ngày càng được nâng cao hơn.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, thực chất hơn và đạt kết quả tích cực, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập tồn tại, trong đó năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực; đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể vẫn ở mức cao, khiến nhiều người lao động mất việc làm. Đặc biệt, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Trước những bất cập đang tồn tại, Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi nói chung và quyền lợi BHXH, BHYT nói riêng cho người lao động.

Trong đó, về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa XIV theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Phá sản doanh nghiệp và Bộ luật Lao động, Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; thực hiện khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, BH thất nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ nợ bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng (tránh tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động) và đề xuất quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Đối với khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ BHYT, Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể để thực hiện, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân lao động, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xử lý kiến nghị và có văn bản trả lới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.