Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Chung tay đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân trong bối cảnh dịch Covid-19

Nguyên Anh

Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc giữa UBND TP.Hà Nội với BHXH Việt Nam.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc giữa UBND TP.Hà Nội với BHXH Việt Nam.

Đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô

Nhằm kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sáng ngày 27/7/2021, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội để bàn các giải pháp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng và khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19.

Đồng thời, chủ động hỗ trợ người lao động, DN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và DN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hoà cho biết, đến hết ngày 16/7/2021, BHXH Thành phố đã hoàn thành thủ tục và thông báo đến các đơn vị, DN số tiền tạm tính hỗ trợ giảm mức đóng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) cho 87.472 đơn vị, tương ứng 1.439.694 lao động với tổng số tiền hơn 643 tỷ đồng.

Theo thống kê, đến hết ngày 26/7/2021, BHXH Thành phố đã ban hành quyết định dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất cho 4 đơn vị, với 17 lao động và số tiền hơn 290 triệu đồng; xác nhận danh sách cho 4.854 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc.

Dự kiến, đến hết năm 2021, toàn Thành phố sẽ có khoảng 7.677 đơn vị với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỷ đồng; chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động ước khoảng 45.358 đơn vị với gần 1,2 triệu lao động.

Về công tác khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19, BHXH Thành phố đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế về thanh toán chi phí khám chữa bệnh, xét nghiệm dịch Covid-19; phối hợp với Sở Y tế giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh; cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số cho 3.522.913 người, tạo thuận cho người tham gia khi đi khám chữa bệnh BHYT...

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, trong quá trình triển khai, BHXH Thành phố cũng gặp phải một số khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn về việc xác định chi phí khám chữa bệnh điều trị Covid-19 với các trường hợp cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận hơn trong quá trình triển khai công tác khám chữa bệnh.

Trên cơ sở các đề nghị trên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc có liên quan cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và nhấn mạnh: Trong tình hình dịch Covid-19 với nhiều phức tạp như hiện nay, phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời nhằm đáp ứng giải quyết những vấn đề mới, phát sinh, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Cụ thể, BHXH Thành phố cần có phương án linh hoạt trong chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt trong những vùng giãn cách, phong toả có thể qua tài khoản ngân hàng hay qua các “Tổ Covid-19” như mô hình của một số địa phương. Khẩn trương phối hợp, tạo điều kiện để người bệnh trong khu vực cách ly, giãn cách khi có nhu cầu khám chữa bệnh phải được đi khám chữa bệnh ở bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào, không phân biệt nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, miễn người dân thấy thuận tiện nhất. BHXH Thành phố cũng cần phải quan tâm, đảm bảo nguồn kinh phí để cơ sở khám chữa bệnh mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân…

Chiều cùng ngày (27/7), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng để bàn các giải pháp đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng và khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19.

Báo cáo của BHXH TP. Hà Nội tại buổi làm việc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Thành phố đều tăng so với cùng kỳ 2020, đảm bảo độ bao phủ BHXH, BHYT và chỉ tiêu được giao năm 2021.

Đặc biệt, số người tham gia BHYT tăng 295.869 người so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,4% dân số. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các DN du lịch, thương mại... dẫn đến tỷ lệ nợ BHXH tăng cao.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, TP. Hà Nội đã luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện các chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Để xây được hệ thống an sinh xã hội vững chắc, “cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, UBND quận, huyện, thị xã và sự phối hợp tích cực, chủ động, hiệu quả của các sở ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành  phố”- ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cũng cho biết: Thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội đã triển khai ứng dụng VssID-BHXH số rất tích cực, trúng và đúng nên nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân. Vì vậy, Thành phố mong muốn BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH thành phố và các địa phương tiếp tục số hóa trong triển khai những công việc hàng ngày.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với BHXH Thành phố để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, qua đó đảm bảo hiệu quả an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Những nội dung thuộc thẩm quyền đề nghị Thành phố quan tâm giải quyết sớm; Những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cấp cao hơn đề nghị tổng hợp, báo cáo, đề xuất, thuyết phục cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.

Hỗ trợ kịp thời về BHXH, BHTN cho doanh nghiệp, người lao động

Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành với các Bộ, Ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân.

Bên cạnh nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia… mới đây, Ngành đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt trong công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN cho người lao động, DN khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, tính đến ngày 25/7, toàn Ngành đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể:

Thứ nhất, về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp: Hoàn thành việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% vào Quỹ Bảo hiểmtai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp và gửi thông báo cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 khoảng 4.322 tỷ đồng.

Thứ hai, về tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 52 đơn vị, tương ứng 3.937 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 31,65 tỷ đồng tại 13 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Dương, TP. Hải Phòng, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh).

Thứ ba, xác nhận danh sách lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để hưởng các chính sách: Xác nhận danh sách tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cho 107.404 lao động của 8.518 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 44 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, cơ quan BHXH các cấp đã hỗ trợ 83.778 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; hỗ trợ 1.736 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; hỗ trợ 2.851 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; hỗ trợ 13.938 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động)…

Với những nỗ lực trên, ngành BHXH Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm, sự đồng lòng, sát cánh đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để đẩy lùi dịch Covid-19 góp phần ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội đất nước.