Đẩy mạnh chi trả các chế độ an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay tại Việt Nam, 80% số tiền lương được thanh toán trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng, tuy nhiên, gần 80% số lương hưu và 100% trợ cấp xã hội vẫn được chi trả bằng tiền mặt.

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng. Nguồn: Internet.
Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng. Nguồn: Internet.

Tại Hội thảo “Tăng cường hệ thống quản trị và chi trả an sinh xã hội - Đánh giá thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và định hướng cho Việt Nam” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện đơn vị này đang chi trả cho hơn 3,1 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần, mai táng phí, ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (BHXH Việt Nam) Phạm Thanh Du cho biết, phương thức chi trả được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt cho người hưởng như thanh toán trực tiếp, qua ngân hàng, qua bưu điện. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng; xây dựng quy trình chi trả theo hướng đồng bộ, liên thông, gắn kết quy trình chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết, chi trả các chế độ.

Tuy nhiên, đến nay số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp. Người dân có thói quen sử dụng tiền mặt, các hình thức thanh toán qua ngân hàng chưa phổ biến trên phạm vi cả nước. Việc triển khai thực hiện kế hoạch này trong ngành BHXH tuy rất tích cực, nhưng gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với người hưởng lương hưu. Việc này vô cùng khó khăn, tâm lý người hưởng nhiều tuổi rất muốn nhận tiền mặt, bởi không phải thao tác qua thẻ ATM và không phải nhớ mã pin”- ông Phạm Thanh Du cho hay.

Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM. Tỷ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với các đối tượng già yếu, cao tuổi, số lượng ATM chưa nhiều, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, quản lý người hưởng khó khăn.

Đánh giá thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng theo đúng kế hoạch được giao. Đồng thời, đang đẩy mạnh phối hợp các bên liên quan thực hiện các giải pháp để vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...

Bà Keiko Inoue- Điều phối Chương trình Phát triển Con người, Giới và Việc làm (WB) nhận định, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của Việt Nam những năm gần đây có những cải tiến, nhưng vẫn còn thua kém so với các quốc gia thu nhập trung bình điển hình. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực để mở rộng thanh toán kỹ thuật số cho hệ thống phân phối ASXH, cung cấp các dịch vụ đáng tin cậy, tiết kiệm chi phí và dễ tiếp cận cho những người được hưởng chế độ ASXH.

Theo đại diện WB, để khắc phục bất cập về hạ tầng, ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên cho phép các đại lý hoạt động theo mô hình ngân hàng, để phát triển các phương thức thanh toán điện tử. Kinh nghiệm từ các quốc gia tương đương cho thấy, các dịch vụ như vậy đã chứng minh hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số với chi phí thấp cho người thụ hưởng. Song, để thành công, cần có môi trường pháp lý thuận lợi.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – ông Lê Quân nhấn mạnh, một trong những nội dung cải cách theo tinh thần Nghị quyết số 28 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình ASXH của Chính phủ, khuyến khích người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường quản lý, kiểm tra công tác chi trả các chế độ BHXH qua hệ thống bưu điện; nâng cao việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chi trả.

Việt Nam hiện đang thúc đẩy xây dựng, nâng cao khả năng tiếp nhận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng đến mục tiêu, đến năm 2020 phấn đấu 20% số tiền chi trả ASXH được thực hiện qua ngân hàng; đến năm 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80%. Giai đoạn 2025-2030, chỉ số mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85-90%.

Ngân hàng WB đề xuất, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại, cung cấp các dịch vụ đáng tin cậy, tiết kiệm chi phí và dễ tiếp cận người được hưởng chế độ an sinh, thông qua việc cải cách hành chính công kết hợp với các sáng kiến chính phủ điện tử và có lộ trình hiện đại hóa hệ thống quản trị.