Đồng bộ các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Theo Mai Ngọc/Tạp chí Tài chính Kỳ 2 tháng 8/2019

Trong lộ trình tiến đến bảo hiểm y tế toàn dân, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được hướng đến đầu tiên bởi những yếu tố thuận lợi tập trung, dễ truyền thông giáo dục, độ tuổi trẻ, giàu lý tưởng và sức khỏe tốt.

Đồng bộ các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Đồng bộ các giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đồng nghĩa sẽ khôi phục hệ thống y tế trường học. Tuy nhiên, với ý nghĩa là nhóm đi trước trên lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, hiện nay vẫn còn số ít học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế. Để đạt tỷ lệ bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, ngành Bảo hiểm Xã hội cần quyết liệt hơn nữa để có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, nhà trường và toàn xã hội.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây đã ban hành văn bản gửi BHXH các địa phương về việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh sinh viên (HSSV) trong năm học 2019 - 2020. Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai BHYT HSSV và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều tăng.

Năm học 2018 - 2019, đã có nhiều trường học đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến tháng 4/2019, cả nước có hơn 17 triệu học sinh tham gia BHYT, chiếm hơn 94%, còn khoảng 6% nhóm đối tượng HS, SV chưa tham gia bảo hiểm y tế, chiếm gần một triệu em.

Để triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2019-2020 đạt hiệu quả, bảo đảm 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực một số giải pháp quan trọng. 

Trước hết, BHXH các tỉnh cần tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo công tác BHYT HSSV, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT, coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của HSSV.

Tiếp đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về BHYT vào thời điểm tháng 9 là tháng cao điểm phát động; tập trung truyền thông một số nội dung trong tâm, trọng điểm về BHYT HSSV trước thềm năm học mới 2019 - 2020 như: Tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ của BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; BHYT HSSV góp phần phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai đất nước; phạm vi, quyền lợi khi tham gia BHYT HSSV.

Tuyên truyền về những HSSV được quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả chi phí lớn. Gương người tốt, việc tốt trong thực hiện BHYT HSSV, nêu gương các trường học thực hiện tốt BHYT HSSV. Các quy định mới liên quan đến thực hiện BHYT HSSV theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Ngoài ra, phối hợp cơ sở giáo dục phổ biến, triển khai hướng dẫn các HSSV cách tra cứu mã số BHXH. Tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Thêm vào đó, kịp thời xét duyệt và trình kinh phí thù lao thu BHYT cho các trường học, cơ sở giáo dục. Khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV.

Cùng với đó, đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho HSSV ngoài phần kinh phí đã được ngân sách trung ương hỗ trợ. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Được biết, quá trình tham gia BHYT của HSSV cũng giống như hộ gia đình, chuyển đổi từ BHYT tự nguyện sang BHYT bắt buộc. Đặc thù của nhóm HSSV là có thể tham gia tại nhà trường, hoặc tham gia theo hộ gia đình. Tiền đóng cho HSSV có thể do cha mẹ đóng, nhưng cũng có thể là nhóm đối tượng thuộc người hộ gia đình cận nghèo, người nghèo.

Cần sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cấp, các ngành

Sức khỏe HSSV trong mục tiêu giáo dục toàn diện có vai trò rất quan trọng và cũng là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Học sinh là đối tượng tập trung, dễ quản lý và huy động tham gia BHYT hơn các đối tượng khác. Nếu không làm tốt BHYT HSSV thì khó thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, sau 17 năm triển khai BHYT HSSV tự nguyện và 8 năm triển khai BHYT HSSV bắt buộc, tình hình tham gia BHYT HSSV chưa đáp ứng yêu cầu bao phủ 100%. Tại Hội nghị trực tuyến về công tác BHYT 6 tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đặt ra câu hỏi: Tại sao sau 5 năm thực hiện BHYT HSSV theo Luật BHYT mà cho đến nay vẫn mới chỉ có 85% HSSV tham gia?

Câu hỏi đó vẫn tiếp tục đưa ra năm 2017, tại sao HSSV tham gia BHYT diện bắt buộc lại được Nhà nước hỗ trợ mức đóng 30%, thế nhưng tỷ lệ chỉ đạt 92,5%, hiện vẫn còn đến 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT? Đây là bài toán, nhiệm vụ “cốt lõi” trong việc phát triển chính sách BHYT HSSV, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.

Thực tế đã chỉ rõ, vai trò nhận thức của mỗi cán bộ lãnh đạo trong các cấp chính quyền, các ngành liên quan tại địa phương cần phải được quán triệt sâu sắc, nhất là khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta đã có đầy đủ các văn băn chỉ đạo của Đảng từ Bộ Chính trị đến các cấp ủy đảng địa phương, các bộ, ngành và các cấp chính quyền về công tác BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng.

Quan trọng hơn là nhận thức trong tổ chức thực hiện, cần có sự đồng thuận, quyết tâm cao để hoàn thành bao phủ BHYT HSSV trước năm 2020; cần xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cụ thể từ nay đến 2020 bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT và được xem như là một chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước.

Số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các địa phương số học sinh tham gia đạt từ 94% đến 99%, nhưng số sinh viên bậc đại học, cao đẳng, trung học nghề chỉ đạt từ 64% đến 75%. Như vậy, tỷ lệ HSSV chưa tham gia còn lại chủ yếu ở bậc đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa chỉ tiêu tham gia BHYT 100% tại các trường đại học, cao đẳng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các trường nghề, trung học nghề; lấy tiêu chí BHYT HSSV đánh giá bình xét thi đua từ khoa, phòng đến từng lớp học và khu vực trường nghề.

Các trường đại học, cao đẳng tại địa phương tăng cường công tác phổ biến giáo dục chính sách pháp luật BHYT đến từng sinh viên, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của một công dân trí thức gương mẫu, vận động tuyên truyền với các hình thức phù hợp với lứa tuổi sinh viên.

Đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách cho sinh viên khi tham gia BHYT như hỗ trợ vay tín dụng, huy động các nguồn lực cộng đồng xã hội mua thẻ cho các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Thay đổi cơ chế hỗ trợ mua thẻ 30% bằng cách tăng 50% cho những vùng khó khăn và giảm 20% ở những vùng kinh tế phát triển hơn.

Mặc dù, chỉ còn số ít HSSV chưa tham gia BHYT, nhưng đây là số HSSV diện bắt buộc nằm trong lộ trình BHYT toàn dân nên có một ý nghĩa rất quan trọng. Mục đích đã gần đạt được, tuy nhiên để đạt được tỷ lệ bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT, ngành BHXH cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, nhà trường và toàn xã hội.