Gỡ khó cho bảo hiểm xã hội tự nguyện


Ðược áp dụng từ ngày 1/1/2008, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều điểm ưu việt và đầy tính nhân văn cho nông dân và người lao động tự do khi tạo điều kiện cho họ được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, đến nay, số người tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn còn ít, đòi hỏi công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách cần được quan tâm đẩy mạnh, góp phần từng bước nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% dân số tham gia bảo hiểm xã hội.

Tính ưu việt và nhân văn của BHXH tự nguyện

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong các chính sách mới của Đảng và Nhà nước, được thực hiện từ ngày 1/1/2008 theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Luật BHXH số 58/2014/QH13 (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2017) thay thế Luật BHXH năm 2006 quy định về chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, Luật BHXH số 58 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016) đã thể chế và hoàn thiện các quy định về chính sách BHXH theo hướng mở rộng và nâng cao quyền lợi tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách cho đông đảo người lao động vì mục tiêu an sinh cho mọi người dân khi về già. Trong đó, nổi bật là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không khống chế trần tuổi. Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Anh Lê Văn Cường, xã Khánh An (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), trước đây là công nhân một công ty trên địa bàn huyện Gia Viễn, được doanh nghiệp (DN) đóng đầy đủ BHXH. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, do điều kiện gia đình, anh phải nghỉ việc về quê làm công việc khác. Khi được nhân viên đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của xã tư vấn, anh Cường chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến nay, dù đã chuyển sang công việc tự do nhưng anh vẫn yên tâm vì được tham gia BHXH đầy đủ.

Nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này cũng như tháo gỡ, tiếp sức và chung tay với người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH về BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 12/5/2018 với nội dung đáng chú ý là người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Cụ thể, các mức hỗ trợ là: 30% đối với người có hộ khẩu hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Đây là hình thức hỗ trợ nhằm tăng tính hấp hẫn của loại hình BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu có 50% dân số tham gia BHXH vào năm 2020.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội là người buôn bán hoa quả tại chợ, chồng chị làm công việc theo mùa vụ. Thu nhập của hai vợ chồng chị không ổn định. Thông qua nhân viên đại lý thu tuyên truyền, tư vấn, chị Hằng được biết, hiện nay, chính sách BHXH đang được Nhà nước hỗ trợ theo từng đối tượng, đối với hộ cận nghèo như gia đình chị được hỗ trợ 25%. Hai vợ chồng chị tính toán đóng vài triệu đồng nhưng lại được đảm bảo chăm sóc sức khỏe và nguồn lương nhất định cho cuộc sống khi về già, từ đó chị và chồng quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 4/2018.

Để giúp cho người dân nắm bắt về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, BHXH các địa phương đã tổ chức những buổi tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những đối tượng có nhu cầu và có nguồn thu nhập nhất định để khai thác hiệu quả; Đồng thời, giao trực tiếp cho các đại lý đến từng nơi vận động, theo hình thức “đến từng nhà, rà từng đối tượng”, tư vấn, giải thích cặn kẽ, giúp cho mỗi người dân hiểu và tích cực tham gia BHXH tự nguyện.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút BHXH tự nguyện

Mặc dù, có nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, nhưng việc tham gia BHXH tự nguyện của người dân hiện nay vẫn còn thấp. Điều đáng nói là hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đều là những người lao động đã từng tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu nên họ tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn lại số lao động tự do, người nông dân tham gia mới rất ít, hàng năm phát triển khá chậm.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do kinh tế của người dân còn khó khăn, thu nhập thiếu ổn định; còn nhiều người chưa biết và chưa hiểu đầy đủ về chính sách này. Bên cạnh đó, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động, bởi chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất…

 Theo các chuyên gia, ước tính có khoảng hơn 70% người cao tuổi nước ta chủ yếu sống ở vùng nông thôn, làm nông nghiệp, trong đó có rất nhiều người sống với con cháu và phần lớn họ không có tích lũy vật chất. Làm thế nào để người nông dân có thể hiểu và tham gia BHXH tự nguyện là vấn đề đặt ra cần giải quyết. Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người nông dân, lao động tự do, lao động ở các làng nghề... tham gia BHXH tự nguyện, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, theo đó đối tượng nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, đối tượng khác được hỗ trợ 10%.

Để thu hút thêm nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân. Đồng thời, BHXH các cấp tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, ngành bưu điện...; trọng tâm là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hỗ trợ nghiệp vụ, đa dạng hóa các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ.

Cùng với đó, ngành BHXH tiếp tục tham mưu với các cấp, ngành hữu quan bổ sung, mở rộng chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện như những người tham gia BHXH bắt buộc… Ngành BHXH đang đề xuất Quốc hội xem xét và cải cách hệ thống BHXH, trong đó không nhất thiết phải đóng BHXH tự nguyện dài tới 20 năm như hiện nay. Thay vào đó, thời gian đóng có thể chỉ từ 10-15 năm, trên nguyên tắc đóng ít hưởng ít - đóng nhiều hưởng nhiều. Đối với địa phương, ngành BHXH cũng đang đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần tăng nhanh đối tượng tham gia trên địa bàn; Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21/NQQ-TW của Bộ Chính trị.