Kiên quyết xử lý doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

Lê Thanh

Để bảo đảm quyền lợi của người lao động và hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội năm 2019, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan BHXH địa phương nỗ lực thu hồi nợ BHXH và kiên quyết chuyển hồ sơ các doanh nghiệp chây ỳ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định.

Hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các DN đã tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các DN đã tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp chây ỳ

Theo BHXH Việt Nam, mặc dù tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH đã có chuyển biến tích cực nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ nợ còn cao; tình trạng nợ BHXH trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn vẫn là bài toán khó xử lý. 

Cả nước hiện có 610.000 doanh nghiệp đang hoạt động, song chỉ có 327.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 10/2019, tổng số tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn phải thu là khoảng hơn 14,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có hơn 32.000 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 - 6 tháng với số tiền 987 tỷ đồng; 12.849 đơn vị với 745 tỷ đồng nợ từ 6-12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỷ đồng nợ trên 12 tháng. 

Theo thống kê, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số lượng doanh nghiệp nợ đọng BHXH diễn biến phức tạp. Cụ thể, tại Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn là hơn 1.900 tỷ đồng (tăng 136,3 tỷ đồng so với tháng 8/2019) và chiếm 4,27% số phải thu. Chỉ tính 500 đơn vị, DN nợ BHXH kéo dài từ 6 - 24 tháng, thì số nợ đã lên tới gần 280 tỷ đồng

Các doanh nghiệp có số nợ đọng bảo hiểm kéo dài có thể kể tới gồm: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garmant (Khu Công nghiệp Quang Minh) nợ trên 21,09  tỷ đồng - 18 tháng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp cao Minh Quân (Nhà hàng O2- Khu đô thị Văn Khê) nợ 16,4  tỷ đồng - 19 tháng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (Tòa nhà ICON 4 - 243A Đê La Thành) nợ 6,8 tỷ đồng...

Tại TP. Hồ Chính Minh, theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 10/2019, cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang công an đề nghị xử lý hình sự 27 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 8/2019 đã chuyển hồ sơ sang công an đề nghị xử lý hình sự 20 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền 50 tỷ đồng, nợ kéo dài hàng năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.  

Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn như: Công ty cổ phần Vĩnh Cửu (nợ hơn 6,6 tỷ đồng), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thanh Tiên (nợ hơn 4,1 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Minh Khang, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Thanh, Công ty TNHH Kiến trúc N.Q.H, Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Việt Úc…

Theo các chuyên gia, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp đã tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, gây ảnh hưởng xấu sự bền vững của an sinh xã hội.

Đồng bộ nhiều giải pháp giảm nợ đọng BHXH, BHYT

Trước tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN diễn biến ngày càng phức tạp, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương tập trung khai thác dữ liệu từ cơ quan thuế phục vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành phục vụ phát triển đối tượng và giảm nợ. Trong đó, BHXH các địa phương tập trung thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị nợ, đơn vị chưa tham gia BHXH, đơn vị tham gia BHXH chưa đủ số lao động và các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; xử phạt vi phạm hành chính những đơn vị vi phạm.

Đồng thời, hàng tháng, bám sát đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT, cơ quan tài chính đôn đốc, phấn đấu thu đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền còn phải thu của những tháng trước theo thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

BHXH các địa phương tiến hành xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp; yêu cầu cán bộ bám sát, đôn đốc các đơn vị đóng đầy đủ; thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng để điều tra, khởi tố. Giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cán bộ chuyên quản, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ; hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ.

Cùng với các giải pháp trên, BHXH các địa phương phải chủ động, tích cực phối hợp bưu điện rà soát, mở hội nghị phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, không dừng lại khi đã đạt và vượt chỉ tiêu. Nghiên cứu tiếp tục giao thêm chỉ tiêu phù hợp địa phương; đẩy nhanh tiến độ rà soát dữ liệu hộ gia đình và cấp mã số BHXH, kịp thời khen thưởng các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự. Theo đó, hành vi trốn đóng BHXH không còn là hành vi khởi kiện dân sự. Công đoàn, cơ quan BHXH nếu thấy có dấu hiệu vi phạm có quyền gửi văn bản đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét khởi tố. Đây được xem như cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 10/2019, tổng số tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn phải thu là khoảng hơn 14,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có hơn 32.000 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 - 6 tháng với số tiền 987 tỷ đồng; 12.849 đơn vị với 745 tỷ đồng nợ từ 6-12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỷ đồng nợ trên 12 tháng.