Năm 2019, sẽ thanh, kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm


Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2019 cùng với việc giám sát từ xa, dự kiến Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó kiểm tra chuyên đề 12 doanh nghiệp bảo hiểm; thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm.

Đến hết năm 2018, thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Nguồn: Internet
Đến hết năm 2018, thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Nguồn: Internet

Tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019 được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, Cục Quản lý và giảm sát bảo hiểm cho biết, năm 2018, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, các doanh nghiệp bảo hiểm cơ bản đảm bảo an toàn tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển hiệu quả.

Đến hết năm 2018, thị trường bảo hiểm hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 môi giới bảo hiểm. Cùng với đó cũng có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Cũng trong năm 2018,  Bộ Tài chính tiến hành thanh, kiểm tra 15 doanh nghiệp bảo hiểm ở 3 khối phi nhân thọ, nhân thọ và môi giới bảo hiểm. 

Qua công tác thanh, kiểm tra đã kịp thời lưu ý các doanh nghiệp bảo hiểm bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về chi phí, dự phòng, khả năng thanh toán; Danh mục đầu tư và tỷ lệ đầu tư, xem xét, rà soát lại quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm. 

Đối với riêng mảng bảo hiểm phi nhân thọ, báo cáo từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, vẫn còn một số tồn tại như hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; Tính tuân thủ của một số doanh nghiệp bảo hiểm về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký (như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm vật chất xe ô tô ...) còn chưa cao.

Trong năm 2019, về định hướng phát triển và mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, Cục Quản lý bảo hiểm cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. 

Tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” theo Quyết định số 242/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, để tái cơ cấu thị trường bảo hiểm, tới đây, sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính.

Theo đó, sẽ chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.

Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã đề nghị Cục quản lý và giám sát bảo hiểm cần tập trung triển khai các nội dung như hoàn thiện khuôn khổ thể chế pháp luật về thị trường bảo hiểm và trọng tâm là xây dựng triển khai kế hoạch cụ thể về Đề án tái cấu trúc thị trường bảo hiểm.

Năm 2019 cùng với việc giám sát từ xa, dự kiến Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó kiểm tra chuyên đề 12 doanh nghiệp bảo hiểm (5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 3 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm); và thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm.