Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế


Trên cơ sở phân tích dữ liệu thứ cấp thu thập được từ cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế và dữ liệu sơ cấp thông qua việc tiếp cận những đối tượng chưa tham gia ở khu vực phi chính thức thấy rằng, thực trạng tham gia bảo hiểm xã họî tự nguyện trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có xu hướng tăng, tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia còn hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, đồng thời thảo luận và đề xuất một số hàm ý chính sách phát triển loại hình bảo hiểm này trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Thực tế cho thấy, sự ra đời của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cũng như việc vận dụng nó vào thực tiễn ở nước ta trong 10 năm qua được xem là một trong những chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho người lao động tự do làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức. Bởi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thu nhập thấp sẽ được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già.

Tuy nhiên, tính đến nay, số lượng người lao động ở khu vực này tham gia vào chương trình BHXH tự nguyện trên cả nước vẫn là con số rất khiêm tốn. Không nằm ngoài thực trạng đó, chương trình BHXH tự nguyện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang triển khai trong thời gian qua, dù đã có những chuyển biến tích cực trên địa bàn Tỉnh, việc thu hút số đông người tham gia cũng như mở rộng đối tượng người tham gia trên địa bản tỉnh vẫn là những trăn trở lớn của lãnh đạo BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để có cơ sở tháo gỡ những khó khăn trong tiến trình phát triển BHXH tự nguyện của Thừa Thiên - Huế, đánh giá thực trạng công tác phát triển BHXH tự nguyện nhằm tìm ra nguyên nhân, trở ngại trong tiến trình thực hiện là cần thiết.  

Tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

Tiếp cận nghiên cứu

Nghiên cứu tiếp cận ở góc độ đơn vị cung ứng BHXH tự nguyện để đánh giá thực tiễn tình hình tham gia BHXH tự nguyện của người lao động địa phương trên nền tảng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa định tính và định lượng.

Phương pháp nghiên cứu

Thu thập dữ liệu

Bảng 1: Tình hình tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Thừa Thiên - Huế (Người)

Chỉ tiêu

2015

2016

2017

2016/2015

2017/2016

+/-

%

+/-

%

Tổng số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện

510.797

496.531

492.178

-14.266

97,21

4.353

99,12

- Ðã tham gia

1.548

1.388

1.588

-160

79,66

200

114,41

- Chưa tham gia

509.249

495.143

490.590

-14.106

97,23

-4.553

99,08

Ðã tham gia/Tổng số (%)

0,3

0,28

0,32

-

-

-

-

 

Phần lớn kết quả nghiên cứu được dựa trên số liệu thứ cấp thông qua báo cáo tổng kết của BHXH Thừa Thiên - Huế hàng năm trong giai đoạn 2015-2017 nhằm đánh giá thực tế tình hình thực hiện BHXH tự nguyện của Tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nghiên cứu thực hiện phỏng vấn chuyên sâu cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại BHXH cũng như nhân viên đại lý BHXH tự nguyện để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai BHXH tự nguyện. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện khảo sát trên nhóm đối tượng chưa tham gia BHXH tự nguyện nhằm nắm bắt lý do, nguyên nhân khiến người lao động chưa tham gia chương trình bảo hiểm này. Tất cả những dữ liệu thu thập được xử lý và phân tích với công cụ thống kê phù hợp để có cơ sở rút ra những kết luận cho nghiên cứu.

Mẫu khảo sát trong trường hợp này được xác định theo công thức Cochran (1977) với sai số cho phép là 8%, cỡ mẫu tính toán được là 150 (người).

Phân tích số liệu

Để tổng hợp và phân tích số liệu cho nghiên cứu này, thống kê mô tả là một trong những công cụ chính được sử dụng xuyên suốt. Nghiên cứu tiến hành phân tổ dữ liệu thu thập được trên cơ sở các tiêu thức quan tâm, đồng thời sử dụng phần mềm Excel và SPSS để thực hiện việc xử lý và phân tích các dữ liệu nghiên cứu dưới dạng bảng biểu, đồ thị, sơ đồ thông qua so sánh đánh giá sự thay đổi của các chỉ tiêu nghiên cứu theo thời gian.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Thừa Thiên  - Huế

Số liệu Bảng 1 cho thấy, tình hình thực hiện BHXH tự nguyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2015-2017. Nhìn chung, số lượng người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện của địa phương chưa có sự thay đổi đáng kể qua các năm. Nếu xét theo tỷ trọng người tham gia BHXH tự nguyện so với số lao động tự do thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện của Thừa Thiên - Huế còn khiêm tốn. Cụ thể, năm 2015 toàn Tỉnh mới chỉ có 1.548 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia và con số này không có khác biệt rõ rệt trong năm 2017 (số lượng người tham gia tăng lên thêm 40 người so với 2015 và tỷ lệ so với đối tượng thuộc diện tham gia chỉ chiếm 0,32%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2016 giảm rất mạnh (giảm 160 người so với 2015).

Bảng 2: Đặc điểm đối tượng khảo sát (Số người trả lời, %)

Ðặc điểm mẫu

Tần số

Tỷ lệ

Ðặc điểm mẫu

Tần số

Tỷ lệ

Giới tính:

 

 

Tình trạng việc làm

 

 

Nam

68

45,33

Cả ngày

64

42,64

Nữ

82

54,67

Bán thời gian

86

57,34

Ðộ tuổi

 

 

Lĩnh vực công việc

 

 

15 – 30 tuổi

68

45,33

Nông, lâm & ngư nghiệp

43

28,67

Trên 30 – 45 tuổi

33

22,00

Tiểu thương

27

18,0

Trên 45- 55 tuổi

42

28,00

Lao động tự do

71

47,33

Trên 55 tuổi

7

4,67

Khác

9

6,00

Trình độ học vấn

 

 

Thu nhập bình quân/tháng

 

 

Không đi học

8

5,30

Dưới 1 triệu đồng

3

2,00

Tiểu học/THCS

96

64,00

Từ 1 - 2 triệu đồng

57

38,00

Tốt nghiệp PTTH

37

24,67

Từ 2 – 3 triệu đồng

69

46,00

Cao đẳng/Ðại học

9

6,03

Trên 3 triệu đồng

21

14,00

Tổng cộng

150

100,0

Tổng cộng

150

100,0

 

Nguyên nhân lý giải cho trường hợp này là do một số đối tượng tham gia đã chuyển sang loại hình BHXH bắt buộc khi tìm kiếm được việc làm ổn định; Một số đối tượng không có khả năng để tham gia tiếp tục vì thu nhập giảm cũng như một số người tham gia BHXH tự nguyện đã thực hiện rút một lần khi đóng đủ thời hạn ở tuổi nghỉ hưu...

Phân tích số liệu cho thấy, mặc dù số lượng người tham gia BHXH tự nguyện của Thừa Thiên - Huế đã tăng lên, số người đã tham gia so với tổng số người thuộc diện tham gia trong toàn Tỉnh vẫn còn thấp (dao động trong khoảng 0,3%). Điều này cho thấy, chính quyền địa phương và BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cần phát huy hơn nữa để vận động người lao động tham gia, đảm bảo tới an sinh xã hội.

Qua khảo sát cho thấy, tình hình thực hiện BHXH tự nguyện trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế theo địa bàn. Theo đó, TP. Huế là khu vực có số người tham gia BHXH tự nguyện nhiều nhất so với 8 khu vực còn lại và chiếm trên 30% tỷ trọng số người tham gia qua các năm. Trong khi đó, Nam Đông và Phú Vang là 2 huyện có tỷ trọng số người tham gia thấp nhất, chỉ dao động 3% và 5% tương ứng qua các năm. Có thể thấy, TP. Huế là khu vực trung tâm của Tỉnh tập trung dân trí cao, lao động ở khu vực phi chính thức có việc làm và thu nhập ổn định hơn so với khu vực nông thôn và miền núi nên tỷ trọng người tham gia bảo hiểm tự nguyện chiếm ưu thế hơn.

Bảng 3. Lý do chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động

 (Lượt người trả lời, %)

Lý do

Tần số

Tỷ lệ

Phí BH đóng cao so với khả năng

102

68,00

Lợi ích thấp

88

58,67

Thời gian đóng quá lâu/thời gian để được hưởng thụ chế độ quá dài

84

56,00

Còn mơ hồ, chưa hiểu rõ về BHXH tự nguyện

65

43,33

E ngại về thủ tục giấy tờ phức tạp

62

41,33

Không tin tưởng

36

24,00

Không quan tâm/Có nguồn hỗ trợ khác

14

9,33

 

Về độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện của Tỉnh giai đoạn 2015-2017, phần lớn tập trung ở nhóm từ 30-55 tuổi (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 2/3 tổng số đối tượng tham gia). Trong khi đó, độ tuổi dưới 30 mặc dù có xu hướng tăng nhưng tăng không đều. Điều này cũng dễ hiểu bởi độ tuổi này người tham gia còn quá trẻ, công việc và thu nhập chưa ổn định, khiến họ chưa sẵn sàng tham gia loại hình bảo hiểm tự nguyện.

Nhóm tuổi trên 55 cũng chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng số người tham gia và có xu hướng giảm đi. Thực tế cho thấy, số người tham gia độ tuổi này đa số là những người đã tham gia BHXH bắt buộc. Hơn nữa, những người trong độ tuổi này nếu bắt đầu tham gia hệ thống BHXH tự nguyện chung sẽ không đủ điều kiện về số năm để hưởng lương hưu (tối thiểu phải đủ 20 năm), do vậy con số này có thể chỉ biểu hiện cho số những người đang tham gia và chủ yếu là nam giới.

Bảng 4: Ý định và nguyện vọng của người lao động về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Lượt người trả lời, %)

Ý định tham gia

Tần số (người)

Tỷ lệ

Mong muốn tham gia

103

68,67

Chưa chắc chắn

21

14,00

Chưa có ý định tham gia

26

17,33

Nguyện vọng

Tần số (lượt người)

Tỷ lệ

Mở rộng quyền lợi cho người tham gia

131

87,33

Ða dạng mức đóng, phương thức đóng

131

87,33

Tuyên truyền và phổ biến rộng rãi về chính sách tham gia

95

66,33

Cần có hỗ trợ cho người tham gia thuộc diện chính sách

91

60,67

Ðơn giản về thủ tục và giấy tờ

87

58,00

Cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ cho người tham gia

68

45,33

Mở rộng mạng lưới các đại lý và các điểm thu

64

42,67

Sự hỗ trợ và tư vấn tận tình của đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo hiểm

51

34,00

 

Theo số liệu khảo sát, xét về mức đóng phí, khoảng gần 80% đối tượng tham gia lựa chọn mức đóng khá thấp (dưới 2.780 nghìn đồng/năm) trong đó, 50% số người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn mức đóng bảo hiểm của năm là mức thấp nhất (tương ứng với mức từ 700 nghìn đồng đến dưới 1.390 nghìn đồng/năm). Bên cạnh đó, mức đóng phí BHXH tự nguyện ở mức trên 4 triệu đồng/năm chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dao động khoảng dưới 8,5%. Điều này cũng dễ hiểu bởi thu nhập của người dân lao động ở miền Trung nói chung và ở Thừa Thiên - Huế thường thấp hơn so với một số địa phương trong cả nước. Thêm vào đó, lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức chủ yếu là công việc không ổn định, một bộ phận lớn lại thuộc khu vực nông thôn và miền núi nên việc xác định mức đóng là phù hợp.

Ngoài việc phân tích mức đóng phí hàng năm của người tham gia, việc phân tích cách thức đóng phí cũng góp phần làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Tỉnh.

Để đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực hiện BHXH tự nguyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2015-2017, bài viết xem xét mức độ hoàn thành kế hoạch thu BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2015-2017 tại Bảng 6. Nhìn chung giai đoạn này, cùng với sự gia tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tại Thừa Thiên - Huế, kết quả thu BHXH tự nguyện của các năm đều có xu hướng tăng lên và cả 3 năm đều vượt mức kế hoạch BHXH Việt Nam đề ra. Mặc dù, kết quả thực hiện BHXH tự nguyện chưa tỏa rộng tới số đông người lao động nhưng đây là tín hiệu khả quan và tạo động lực phát triển BHXH tự nguyện tại Thừa Thiên - Huế.

Kết quả khảo sát người dân về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thực tiễn thực hiện BHXH tự nguyện của BHXH Thừa Thiên - Huế được phản ánh cụ thể qua các chỉ tiêu. Tuy nhiên, để phân tích rõ hơn những kết quả đã đạt được, nhóm tác giả tiếp cận người chưa tham gia để trao đổi cụ thể hơn về những vấn đề liên quan đến BHXH tự nguyện.

Đặc điểm mẫu khảo sát: Theo số liệu khảo sát, người tham gia khảo sát phần lớn tập trung từ 15 đến 55 tuổi chiếm tỷ lệ cao, trong đó tỷ lệ người chưa tham gia vẫn tập trung nhiều ở nhóm 15- 30 tuổi (45,33%) và nhóm 45- 55 tuổi (28,0%). Phần lớn người được phỏng vấn chủ yếu là tiểu học và trung học cơ sở chiếm tỷ lệ cao 64% trong mẫu khảo sát. Tỷ lệ giới tính của mẫu khảo sát là 45,33% đối với nam và 54,67% nữ. Bên cạnh đó, gần 50% người trả lời chủ yếu là lao động tự do và lao động bán thời gian chiếm 57,34% mẫu khảo sát. Thu nhập bình quân hàng tháng của những người này chủ yếu tập trung từ 1-3 triệu đồng (83% số người tham gia trả lời).

Lý do chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động: Bảng 3 phản ánh nhìn khách quan hơn trong việc giải thích tình trạng người tham gia BHXH tự nguyện của Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, phí đóng cao so với khả năng của người lao động, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp. Mặc dù, BHXH tự nguyện đã được thiết kế khung bao gồm các mức đóng phí khác nhau, tuy nhiên nhiều người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn gặp những hoàn cảnh như tình trạng thu nhập thấp, vừa đủ chi phí sinh hoạt không có tiền dư tiết kiệm, không duy trì được các khoản đóng, thu nhập không ổn định là những trở ngại khiến người lao động chưa sẵn sàng để tham gia. Cụ thể, với hình thức BHXH tự nguyện, mức phí phải đóng ít nhất là 22% mức lương cơ sở và theo mức lương cơ sở năm 2017 trở đi là 1.390 nghìn đồng thì số phí bảo hiểm phải đóng ít nhất xấp xỉ 306 nghìn đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người dân, đặc biệt đối với những người lao động với nghề nghiệp không ổn định và công việc chỉ là bán thời gian.

Thực tế cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện đã được triển khai 10 năm qua nhưng đối với rất nhiều người dân, họ vẫn chưa thật sự quan tâm nhiều, 43,3% người được hỏi trong mẫu khảo sát còn mơ hồ và nhận thức chưa đầy đủ về loại hình này. Một bộ phận không nhỏ người tham gia khảo sát cho thấy, còn e ngại về thủ tục giấy tờ và thậm chí có đến 24% tỷ lệ những người cảm thấy chưa tin tưởng về chính sách và lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Kết quả thực hiện nghiên cứu thăm dò thông qua phỏng vấn nhóm với người lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động, triển khai ở nhiều địa phương thật sự chưa sâu rộng, thiếu đồng bộ và chưa có hình thức phù hợp để khuyến khích sự tham gia loại hình bảo hiểm này đối với những người lao động ở khu vực phi chính thức. Hơn nữa, lực lượng cán bộ, viên chức phụ trách BHXH tự nguyện ở từng địa phương còn quá mỏng. Các cán bộ, viên chức chuyên trách ở các cấp xã hay nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện ở một số địa bàn trong Tỉnh vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm việc khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của họ cũng còn nhiều khó khăn nhất định.

Nguyện vọng tham gia của người lao động đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện: Để có cơ sở tham khảo phù hợp nhằm định hướng phát triển BHXH tự nguyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới, nghiên cứu tiến hành phân tích để nắm bắt rõ hơn về ý định tham gia BHXH tự nguyện của người dân cũng như mong muốn và nguyện vọng của họ khi tham gia (Bảng 4).

Bảng 4 cho thấy, trong 150 người được khảo sát, có một bộ phận nhỏ (14%) người trả lời chưa chắc chắn để tham gia loại hình BHXH tự nguyện và có khoảng 17,33% người trả lời vẫn chưa có ý định tham gia. Kết quả phỏng vấn nhóm với đối tượng người lao động tự do cho thấy, một số đối tượng gần đến tuổi hưu nên vẫn còn e ngại về thời gian đóng bảo hiểm không phù hợp, một số đối tượng thuộc nhóm người này có thể nhận được sự hỗ trợ từ nguồn khác, một số chưa có niềm tin thật sự vào chính sách BHXH tự nguyện và một số gần như không có hy vọng để tham gia, bởi thu nhập của họ quá bấp bênh để duy trì được khoản đóng góp tối thiểu. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, gần 70% người trả lời rất muốn được tham gia BHXH tự nguyện. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy, người dân đã có thông tin, hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

Xét về nguyện vọng, gần 90% người trả lời rất muốn được mở rộng quyền lợi cho người tham gia cũng như áp dụng các mức đóng và phương thức đóng đa dạng và linh hoạt. Ngoài ra, khoảng 60% người tham gia trả lời muốn được phổ biến về chính sách rộng rãi và rõ ràng và đáng quan tâm là chính sách hỗ trợ tham gia cho người thuộc diện chính sách/thiệt thòi trong xã hội.

Bên cạnh đó, việc đơn giản các thủ tục giấy tờ (nhiều người dân cho rằng họ rất ngại về việc kê khai giấy tờ và làm việc với chính quyền) cả lúc đăng ký tham gia cũng như giải quyết chế độ cho người thụ hưởng; việc cung cấp chi tiết về chính sách hỗ trợ cho người tham gia là rất cần thiết. Hơn 1/3 mẫu khảo sát đề xuất liên quan đến việc tiếp cận BHXH tự nguyện dễ dàng hơn thông qua mở rộng điểm cung cấp/điểm thu và tang cường tư vấn, hỗ trợ từ đội ngũ cán bộ, chuyên viên cũng như cộng tác viên của BHXH.

Một số đề xuất phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Qua phân tích, đánh giá thực trạng tham gia BHXH tự nguyện tại Thừa Thiên - Huế, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển loại hình bảo hiểm này trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện

Việc hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo định hướng quyền lợi cũng như nghĩa vụ đóng BHXH để tăng tính hấp dẫn, củng cố niềm tin cho người tham gia và thu hút người lao động tham gia ngày càng nhiều là giải pháp căn cơ nhất mà BHXH Thừa Thiên - Huế cần quan tâm. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, BHXH Thừa Thiên - Huế cần đề xuất với BHXH Việt Nam xem xét mở rộng quyền lợi cho người tham gia.

Theo đó, chính sách BHXH tự nguyện cần được điều chỉnh hợp lý hơn như: Rút ngắn thời gian đóng BHXH, tăng thêm các chế độ phúc lợi được hưởng cho người tham gia... Hiện tại, so với BHXH bắt buộc, quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện thấp hơn và chỉ áp dụng giải quyết đối với chế độ hưu trí và tử tuất. Do vậy, chính sách hiện tại chưa thật sự hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia, đặc biệt là nhóm đối tượng người lao động trẻ tuổi.

Thứ hai, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Thực tế cho thấy, việc tham gia BHXH tự nguyện của người lao động phụ thuộc rất lớn vào thu nhập của họ. Chỉ khi thu nhập đảm bảo được chi tiêu cho bản thân/gia đình ổn định, người lao động mới thật sự nghĩ đến việc tích luỹ. Hiện tại, mức đóng phí BHXH tự nguyện theo quy định là 22% mức tiền lương tối thiểu chung được xem là khá cao so với thu nhập của một bộ phận lao động nông thôn cũng như những người có sinh kế không ổn định.

Do vậy, việc xem xét các chính sách hỗ trợ cho những người tham gia thuộc diện chính sách/có hoàn cảnh khó khăn (hỗ trợ mức đóng) là rất cần thiết; Không giới hạn mức trần về tuổi tham gia BHXH tự nguyện; Điều chỉnh giảm mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để có thể phù hợp với khả năng tham gia của người lao động theo đặc thù kinh tế của từng địa phương; Đưa ra nhiều phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt hơn như cho phép người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau (không giới hạn số năm được đóng một lần) hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Tất cả những thay đổi này có thể góp thu hút được nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhằm hướng tới một chính sách an sinh xã hội bền vững cho địa phương.

Thứ ba, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người lao động về BHXH tự nguyện.

Không thể phủ nhận lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện là giúp người tham gia có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, nhất là với những người không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nhận thức được ý nghĩa nhân văn của BHXH tự nguyện. Rất nhiều người dân sinh sống ở khu vực đô thị cũng như ở các vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế khả năng tiếp cận thông tin để hiểu biết về chương trình bảo hiểm này. Do vậy, để thu hút được nhiều người tham gia, BHXH Thừa Thiên - Huế cần tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm lan toả thông tin về BHXH tự nguyện và nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa và lợi ích của chương trình này.

Tuỳ vào trình độ dân trí và đặc điểm sinh hoạt cộng đồng của từng địa phương để có thể xây dựng các hoạt động truyền thông linh hoạt và phù hợp. Việc lồng ghép các buổi đối thoại, nói chuyện chuyên đề về BHXH tự nguyện trong các buổi họp dân phố, thôn, bản hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về BHXH tự nguyện, cuộc thi tư vấn viên, tuyên truyền viên ở các địa phương trong Tỉnh là rất cần thiết để phổ biến sâu rộng hơn kiến thức BHXH tự nguyện trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc mở rộng các đại lý/các điểm thu để người dân dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc tham gia cũng như đào tạo nhân viên tư vấn, cung cấp dịch vụ BHXH tự nguyện chuyên nghiệp cũng cần được chú trọng.

Kết luận

Có thể khẳng định rằng, an sinh xã hội là thước đo đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, BHXH tự nguyện là một trong những chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, người có thu nhập thấp và không có thu nhập không ổn định như người nông dân, người mua bán nhỏ lẻ, người tự tạo việc làm, người lao động đã đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH… nhằm giúp người tham gia được hưởng lương hưu để giảm bớt những khó khăn, rủi ro, nhất là khi về già.

Thực tế tìm hiểu về tình hình phát triển BHXH tự nguyện tại Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2015-2017 cho thấy, mặc dù số lượng người tham gia chương trình bảo hiểm này có tăng lên, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch vẫn đảm bảo qua các năm nhưng so với lực lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện trong toàn Tỉnh thì vẫn còn khá thấp. Kết quả khảo sát các đối tượng chưa tham gia trong Tỉnh cho thấy, phí đóng bảo hiểm cao, lợi ích của việc tham gia còn hạn chế và thời gian đóng bảo hiểm dài là những lý do chủ yếu dẫn đến tỷ lệ người tham gia vẫn còn là con số rất khiêm tốn.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã có những thay đổi lớn trong chính sách phát triển BHXH tự nguyện liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia, cải thiện chính sách hỗ trợ người tham gia cũng như quyền lợi cho người tham gia… chính sách này đã được triển khai rộng rãi đến các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, để những thay đổi này có kết quả tốt đòi hỏi BHXH cần thực hiện một cách rốt ráo hơn kết hợp với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các quy định mới, bổ sung các chính sách ưu đãi để nâng cao nhận thức của người dân lao động về BHXH tự nguyện.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, Báo cáo kết quả thực hiện BHXH tự nguyện năm 2015, 2016 và 2017;
  2. Quốc hội (2014), Luật BHXH;
  3. Chính phủ (2007), Nghị định số 190/2007/NÐ-CP, hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện;  
  4. Chính phủ (2015) Nghị định số 134/2015/NÐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện;
  5. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2016), Thông tư số 01/2016/TT-BLÐTBXH, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của  Luật BHXH về BHXH tự nguyện;
  6. Cochran, W. G. (1977), Sampling Techniques (3rd ed). NewYork: John Wiley & Sons.