TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:

Tăng cường bảo vệ người gửi tiền

Hải Nam (thực hiện)

Từ ngày 12/12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm được tăng lên 125 triệu đồng, thay thế hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng (theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm). Tạp chí Tài chính đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết, việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi vào thời điểm hiện nay có phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam không, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng vào thời điểm này là phù hợp. Hơn nữa, theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế (IADI), hạn mức BHTG cần bảo hiểm toàn bộ được từ 90% - 95% người gửi tiền được bảo hiểm.

Thực tế hiện nay, số người gửi tiền có số dư nhỏ hơn hoặc bằng 125 triệu đồng tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG là khoảng 65 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 91%. Như vậy, mức bảo hiểm 125 triệu đồng là phù hợp với thông lệ quốc tế, và phù hợp với năng lực tài chính của BHTG Việt Nam. Bởi vì, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 73,6 nghìn tỷ đồng. Với năng lực hiện có, BHTG Việt Nam có thể đáp ứng chi trả ngay lập tức trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo khuyến nghị của IADI, định kỳ 5 năm một lần, hạn mức BHTG cần được đánh giá lại nhằm đáp ứng mục tiêu chính sách công, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với quy mô tiền gửi tại các ngân hàng, mức độ lạm phát, GDP và GDP bình quân đầu người...Theo thống kê tại Việt Nam năm 2019, GDP bình quân đầu người đạt 2.715 USD, tương đương 63 triệu đồng, tăng 4,9% so với năm 2018. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng 29,7% so với năm 2019, đạt mức 3.521 USD, tương đương 81 triệu đồng. Trong khi đó, hạn mức chi trả BHTG ở  mức 75 triệu đồng từ năm 2017 đến nay đã được 5 năm. Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức BHTG vào thời điểm này là phù hợp với thực tế tại Việt Nam, cũng như  các thông lệ quốc tế về BHTG.

Phóng viên: Hạn mức trả tiền bảo hiểm mới được xem là sẽ có tác động tích cực đến người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG và nền kinh tế. Xin ông cho biết cụ thể về điều này, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm có tác động đến nhiều đối tượng, chủ thể. Cụ thể:

Đối với người gửi tiền: Đặc thù của chính sách BHTG là bảo vệ số lượng lớn người gửi tiền. Người gửi tiền được bảo hiểm thường là những người gửi tiền nhỏ, thiếu thông tin và là đối tượng dễ tổn thương trước những biến động của hoạt động ngân hàng. Đối với nhiều người, tiền gửi ngân hàng là tài sản lớn tích lũy được. Do đó, việc nâng cao hạn mức BHTG có ảnh hưởng nhất định đến quyết định gửi tiền của họ, đồng thời đảm bảo chính sách bảo vệ số lượng lớn người gửi tiền (90,72%).

Đồng thời, hạn mức BHTG ở mức hợp lý thì người gửi tiền cũng yên tâm hơn khi gửi tiền, quyền lợi của đại đa số người gửi tiền được đảm bảo. Từ đó, giúp hạn chế hiện tượng rút tiền hàng loạt khi xảy ra sự cố và tác động dây chuyền, dẫn đến mất thanh khoản tại các tổ chức tính dụng (TCTD); góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đối với hệ thống ngân hàng: Hạn mức trả tiền bảo hiểm đủ lớn sẽ góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia BHTG, từ đó khuyến khích người dân yên tâm gửi tiền nhàn rỗi vào các TCTD, tạo nguồn lực để các TCTD đầu tư vốn cho các doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống.

Đối với nền kinh tế: Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 như hiện nay, và sẽ còn mất rất nhiều thời gian để phục hồi, việc nâng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng sẽ góp phần ổn định tâm lý người gửi tiền, để các TCTD đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc cho vay phục hồi và phát triển kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Phóng viên: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các TCTD. Việc điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền BHTG có ý nghĩa như thế nào đối với việc nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam trong tiến trình này, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Việc điều chỉnh hạn mức BHTG có ý nghĩa vô cùng thiết thực, nhất là khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu. Đây là bước tiến quan trọng trong triển khai hoạt động BHTG, để người dân ngày càng dành nhiều quan tâm hơn đến chính sách này trong thời gian tới.

Tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng là tăng khả năng bảo vệ người gửi tiền của tổ chức BHTG, đồng thời góp phần gìn giữ kỷ luật thị trường, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng.

 Bên cạnh đó, việc tăng hạn mức BHTG cũng phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế, quy mô ngày càng lớn của hệ thống các TCTD cũng như thu nhập, kỳ vọng của người dân hiện nay.

Với năng lực hiện có, BHTG Việt Nam đảm bảo thực hiện chi trả ngay cho người gửi tiền với hạn mức mới (nếu phát sinh nghĩa vụ). Tuy nhiên, việc nâng hạn mức chi trả BHTG lên 125 triệu đồng tác động tới nguồn vốn và Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam. Do đó, BHTG Việt Nam cần có lộ trình quản lý hiệu quả nguồn vốn để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Phóng viên: Ông có lưu ý gì đối với người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG và BHTG Việt Nam sau khi hạn mức mới có hiệu lực?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Việc tăng hạn mức BHTG từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền được nâng lên, người gửi tiền sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền nhàn rỗi tại các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời các tổ chức tham gia BHTG cũng phải chịu trách nhiệm cao hơn.

Như vậy, về phía người dân có thể yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG và các tổ chức tham gia BHTG phải có nghĩa vụ, trách nhiệm sử dụng vốn của người gửi tiền hiệu quả, đảm bảo an toàn cho chính TCTD cũng như toàn hệ thống; và càng yên tâm hơn khi BHTG Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong bất kỳ tình huống nào.

Hiện nay, một số người gửi tiền chưa nhận thức đúng đắn về chính sách BHTG. Vì vậy, BHTG Việt Nam cũng như các tổ chức tham gia BHTG cần đẩy mạnh công tác truyền thông, để mọi người dân hiểu được đầy đủ hơn chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của họ khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Điều này sẽ giúp người dân cẩn trọng khi lựa chọn gửi tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi hợp pháp, có uy tín thay vì chỉ quan tâm đến lãi suất.

Các tổ chức tham gia BHTG ngoài việc quảng bá sản phẩm dịch vụ mới, cần tăng cường phối hợp với BHTG Việt Nam trong quá trình cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG liên quan đến hạn mức BHTG mới; triển khai các hoạt động truyền thông chính sách BHTG nói chung và hạn mức BHTG mới nói riêng trên các ấn phẩm, sản phẩm của ngân hàng. Đồng thời, tại nơi giao dịch bắt buộc phải niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG để người gửi tiền nắm rõ quyền lợi hợp pháp của mình khi gửi tiền tại các TCTD.

Đối với BHTG Việt Nam, với mục tiêu cơ bản là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, việc nâng hạn mức BHTG giúp BHTG Việt Nam ngày càng thực hiện tốt vai trò cũng như khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, để nâng cao niềm tin của công chúng, ngoài yếu tố hạn mức BHTG, trong thời gian tới, BHTG Việt Nam cần tiếp tục củng cố năng lực tài chính, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hạn mức BHTG mới, kết hợp phổ biến kiến thức tài chính và BHTG đến người gửi tiền.

Phóng viên: Để BHTG Việt Nam ngày càng là công cụ hữu hiệu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của tổ chức tín dụng, ông có đề xuất gì, thưa ông?

Nguyễn Quốc Hùng: Để chính sách BHTG ngày càng phát huy vai trò “công cụ an dân” của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, qua đó góp phần gìn giữ niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về BHTG, cụ thể là sửa Luật BHTG để BHTG Việt Nam tham gia có hiệu quả vào tái cơ cấu các TCTD, trước mắt là đối với quỹ tín dụng nhân dân.

Bên cạnh đó, nghiên cứu để trao thêm quyền hạn phù hợp để BHTG Việt Nam ngày càng đảm nhận tốt hơn vai trò, trọng trách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD.

Về lâu dài, cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tiềm lực tài chính cũng như thể chế để BHTG Việt Nam có thể xử lý hiệu quả các ngân hàng có tổng tài sản ở mức trung bình trở xuống khi cần thiết.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!