Tạo bước ngoặt trong truyền thông chính sách

Theo Hoàng yến/daibieunhandan.vn

Nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ làm công tác truyền thông chuyên nghiệp, hiệu quả, trách nhiệm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 khu vực phía Nam. Hội nghị gồm 5 chuyên đề trang bị kỹ năng về tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) theo hình thức nhóm nhỏ, trực tuyến, trên mạng xã hội; kỹ năng biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông hiện đại.

Truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Xác định công tác truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2017, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về truyền thông, trong đó xác định mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT. Qua đó, công tác truyền thông về BHXH, BHYT đã có nhiều đổi mới.

“Để chính sách BHXH, BHYT phát triển bền vững, có sự đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông. Trong năm 2021 và 7 tháng năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức 163.000 hội nghị truyền thông, trung bình 4, 5 hội nghị/ngày/đơn vị BHXH; 1,4 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thông cơ sở cũng như rất nhiều sản phẩm truyền thông khác. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã tổ chức 500 cuộc ra quân tuyên truyền về BHXH, BHYT. Trong đó, 2 lễ ra quân lớn liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã góp phần tích cực vào công tác của ngành” - Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh thông tin.

Cũng theo ông Đào Việt Ánh, qua đánh giá, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới truyền thông, công tác truyền thông của ngành BHXH Việt Nam tập trung về giá trị nhân văn và lợi ích của chính sách (bao gồm lợi ích của người dân, gia đình và xã hội) khi tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức truyền thông. Đặc biệt, trong 2 năm diễn biến dịch COVID-19 căng thẳng, BHXH Việt Nam đã tích cực chuyển sang hình thức truyền thông gián tiếp, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong bối cảnh hiện tại, khi đã chuyển sang trạng thái an toàn và thích ứng mới với dịch bệnh, công tác truyền thông tiếp tục có sự đổi mới; thường xuyên chủ động, kết hợp hài hòa và có trọng tâm, trọng điểm.

Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 khu vực phía Nam.
Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 khu vực phía Nam.

Truyền thông theo đối tượng, bám sát thực tế

Trước tình hình đó, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, để xây dựng và phát triển đội ngũ làm công tác truyền thông chuyên nghiệp hơn nữa, BHXH Việt Nam thường xuyên tổ chức các Hội nghị tập huấn nhằm cung cấp cho đội ngũ truyền thông những nội dung, kỹ năng cần thiết trong triển khai các hoạt động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác truyền thông tại cơ sở.

Về kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền TS. Vũ Hoài Phương khẳng định, trong mỗi cuộc tuyên truyền, trước tiên tuyên truyền viên cần xác định được nội dung chính của vấn đề, lựa chọn phương pháp, phương tiện tác động đến vấn đề cần tuyên truyền. Cùng với đó, phải nghiên cứu đặc điểm về mặt xã hội, nhân khẩu (thành phần xã hội, giai cấp nghề nghiệp, học vấn, giới tính... của đối tượng); nghiên cứu đặc điểm về tư tưởng và tâm lý xã hội (quan điểm, chính kiến, tâm trạng...); nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu thông tin, thái độ của người nghe đối với nguồn thông tin. Đồng thời, trong nội dung tuyên truyền cũng phải bảo đảm tính chính xác, thiết thực, mang đến cho người nghe những thông tin mới.

Trong tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH, BHYT, tuyên truyền viên cần nghiên cứu rõ đối tượng là ai, bởi biết trước từng đối tượng, nhóm đối tượng thì công tác chuẩn bị sẽ kỹ càng hơn, thuận lợi cho người nghe. Khi tuyên truyền nhóm nhỏ càng phải tìm hiểu kỹ đối tượng, làm truyền thông phải theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”. Phải tác động đến nhiều đối tượng xung quanh chủ thể, giúp người dân hiểu được lợi ích thực tế khi tham gia... Từ đó, từng người tham gia cũng sẽ chính là tuyên truyền viên “sống” cho mình.

“Đặc biệt, với lợi thế hiện nay, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 kéo dài, người dân đã có sự tin tưởng cao vào chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước mà BHXH Việt Nam đang thực hiện. Vì vậy, khi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, cần nói về lợi ích dài hạn, sau đó phân tích thật kỹ lợi ích ngắn hạn. Đối với nhóm dân trí cao, cần phân tích lợi ích dài hạn, tính ưu việt của chính sách BHXH so với bảo hiểm nhân thọ” - TS. Vũ Hoài Phương chia sẻ.