Triển khai thẻ bảo hiểm y tế điện tử đang có nhiều thuận lợi

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Theo lộ trình đã được đặt ra, từ ngày 1/1/2020, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thực hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia. Việc ứng dụng thẻ BHYT điện tử sẽ là bước đột phá của công tác hiện đại hóa hành chính ngành BHXH, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Việc ứng dụng thẻ BHYT điện tử sẽ là bước đột phá của công tác hiện đại hóa hành chính ngành BHXH. Nguồn: Internet.
Việc ứng dụng thẻ BHYT điện tử sẽ là bước đột phá của công tác hiện đại hóa hành chính ngành BHXH. Nguồn: Internet.

Chuyển đổi sang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử trong tương lai còn được nhận định sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên liên quan như người tham gia BHYT, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và cơ quan BHXH. Như, với người tham gia BHYT đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ; không cần mang giấy tờ tùy thân mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt.

Đối với cơ sở KCB, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân, giúp tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, chính xác. Còn với cơ quan BHXH, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT do người đi KCB phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT.

trien khai the bao hiem y te dien tu dang co nhieu thuan loi
Thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Bên cạnh đó, thông tin về BHXH, BH thất nghiệp dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành. Ngoài ra, việc cấp thẻ BHYT điện tử cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như: in gia hạn sử dụng thẻ BHYT hàng năm; đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm…

Theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện tại, các điều kiện về cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã cơ bản hoàn thiện, BHXH Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu tập trung về đối tượng tham gia và hoạt động nghiệp vụ của ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT như cấp số định danh cá nhân (mã số BHXH) cho người tham gia. Mặt khác, người tham gia và các cơ sở KCB cũng đã quen với việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT trên Cổng dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT. Như vậy, việc triển khai thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới là rất thuận lợi.

Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt và ban hành Quyết định về việc thực hiện thẻ BHYT điện tử, BHXH Việt Nam đang chủ động nghiên cứu, khảo sát, thí điểm, đánh giá ưu, nhược điểm các mô hình cấp, quản lý và sử dụng thẻ điện tử trong và ngoài nước để có cơ sở xây dựng dự thảo văn bản về mẫu và quy trình hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện cấp chuyển đổi từ thẻ BHYT chất liệu giấy sang thẻ BHYT điện tử trong thời gian tới.

Tính đến hết tháng 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số, vượt 0,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và 9% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ đạt tỷ lệ 90% dân số tham gia BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, qua thực tiễn hơn 25 năm thực hiện chính sách BHYT đã khẳng định gắn mục tiêu BHYT toàn dân với đổi mới cơ chế tài chính y tế và mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện đến các cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia BHYT.

Từ góc độ của cơ quan tổ chức thực hiện, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của BHXH Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thêm thuận lợi.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất, nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT của người lao động. Thúc đẩy công tác giám định BHYT; bảo vệ quyền lợi của người bệnh; ngăn ngừa và phòng chống các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.