Xây dựng chiến lược tài chính y tế phù hợp

Theo Minh Nhật/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, với tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở nước ta, đòi hỏi phải xây dựng các chính sách an sinh xã hội cùng chiến lược tài chính y tế phù hợp. Trong đó, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua BHYT phải được thiết kế để ứng phó tốt với già hóa dân số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thách thức cân đối quỹ BHYT

Theo nghiên cứu “Triển vọng dân số thế giới” của Liên Hợp Quốc, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với các nước. Năm 2015, số người ở độ tuổi 65 trở lên mới chiếm 6,7% dân số nhưng đến năm 2040 được dự báo là sẽ chiếm 17% dân số và đến năm 2060 là 26,2% dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 76,6 tuổi, cao hơn trung bình thế giới (72 tuổi). Đáng nói là chi phí điều trị cho người cao tuổi gấp từ 8 - 10 lần so với người trẻ; mặc dù người cao tuổi chiếm hơn 10% số dân nhưng sử dụng tới hơn 50% chi phí điều trị mỗi năm.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, năm 2016, cơ quan BHXH đã cấp thẻ BHYT cho 8,8 triệu người cao tuổi; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm thân nhân của quân đội, công an tham gia BHYT theo chế độ đặc thù do Nhà nước ban hành. Tỷ lệ người cao tuổi trên tổng số người tham gia BHYT chiếm khoảng 11%.

Cùng với thách thức về già hóa dân số, quá trình thực hiện chính sách BHYT cũng còn nhiều khó khăn như sự gia tăng các chi phí bất hợp lý, bội chi quỹ BHYT. Đặc biệt, mệnh giá thẻ BHYT thấp, trong khi đó quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Số cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan BHYT tăng hàng năm, kết hợp với quy định khám, chữa bệnh thông tuyến huyện, nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân dễ dàng hơn và là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tăng lượt khám, chữa bệnh và tổng chi khám, chữa bệnh BHYT qua các năm. Việc các bệnh viện tìm cách tăng nguồn thu, dễ dẫn đến nguy cơ gian lận quỹ khám, chữa bệnh BHYT và ngành BHXH luôn phải đối mặt với bài toán cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Thiết kế gói dịch vụ phù hợp

Trưởng nhóm dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả của gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam (SHIP) Hironari Onishi cho biết, do vấn đề già hóa dân số, chi phí y tế chắc chắn sẽ tăng. Vì vậy, một số chính sách phải được xem xét thực hiện, trong đó có vấn đề tăng phí BHYT.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trước khi tăng phí thì khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ cần được cải thiện. Đơn cử như tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế, bảo đảm đủ số lượng cơ sở y tế cũng như bác sĩ và những yếu tố có thể cải tiến chất lượng dịch vụ y tế. Hoặc tăng số lượng cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện được ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT.

Để giảm gánh nặng cho việc cân đối Quỹ BHYT trong bối cảnh già hóa dân số thì tăng trợ cấp chính phủ cho hệ thống BHYT cũng là một cách. Để thực hiện được điều này, phải có phân tích, thống kê, xác định giới hạn gánh nặng tài chính đối với ngân sách. Đồng thời, cân nhắc phương pháp xác định chi phí bệnh nhân tự trả bao gồm cả chi phí đối với người cao tuổi và cần xem xét cả trợ cấp hưu trí.

Mặc dù vậy, giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình hơn cả là xây dựng chiến lược tài chính các gói dịch vụ y tế phù hợp dựa trên bằng chứng về chi phí và hiệu quả. Theo đó, các dịch vụ được bao phủ cần toàn diện, bao gồm phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi, chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời. Trong đó, ưu tiên các dịch vụ chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và có thể được cung ứng ở tuyến cơ sở như phòng chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc lão khoa cơ bản, nhằm ứng phó với già hóa dân số.

Việc chi trả có thể áp dụng theo định suất cho dịch vụ ngoại trú và thanh toán theo nhóm chẩn đoán cho dịch vụ nội trú. Bên cạnh đó, cần thiết kế phương thức chi trả tương thích với mô hình cung ứng dịch vụ, theo hướng liên tục và có điều phối tốt ở tuyến ban đầu. Đồng thời, khuyến khích người mắc các bệnh không lây nhiễm và người cao tuổi thực hiện dịch vụ ngay tại cơ sở.

Việc xây dựng chiến lược tài chính phù hợp trong bối cảnh già hóa dân số rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các nước phát triển. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhận định, việc phối hợp với Nhật Bản - một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, chính sách an sinh xã hội ưu việt và chế độ chăm sóc người cao tuổi tốt, là cơ hội để Việt Nam học tập, nhằm xây dựng chính sách BHYT hướng tới xu hướng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn.