Diễn biến phức tạp…

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay mỗi năm có khoảng 300 - 400 nghìn tấn đường được nhập từ Thái Lan, Ấn Độ... vào Việt Nam dưới nhiều phương thức khác nhau. Mặt hàng đường tạm nhập vào Việt Nam chủ yếu được tái xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi giá đường tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam thì hoạt động tái xuất diễn ra bình thường nhưng khi giá đường ở Trung Quốc giảm thì lượng đường này sẽ được tuồn ra tiêu thụ trong nước. Các đối tượng buôn lậu dưới hình thức này ngày càng tinh vi, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) còn dùng chính hóa đơn mua hàng của các nhà máy trong nước để hợp thức hóa đường lậu, vì vậy đã gây không ít khó khăn cho ngành Hải quan...

Theo Cục Hải quan Quảng Trị, trong 10 tháng đầu năm 2012, hơn 33 nghìn tấn đường kính trắng có xuất xứ từ Thái Lan được nhập khẩu vào khu thương mại Lao Bảo với tổng giá trị hơn 410 tỷ đồng. Trong đó, số lượng đường đã làm thủ tục tái xuất ra khỏi Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo là trên 12.600 tấn; xuất đi nước ngoài là gần 12.000 tấn và xuất đi khu phi thuế quan khác là 680 tấn.

Vậy điều dễ nhận thấy là số lượng đường còn lại trong Khu thương mại đặc biệt này khá lớn, khoảng 21.000 tấn. Mà theo quy định hiện nay, đường nhập vào Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo không phải chịu hạn ngạch, đồng thời DN bán hàng cho cư dân, khách du lịch trong Khu thương mại đặc biệt này không hạn chế về số lượng. Đây chính là một kẽ hở, tạo thuận lợi cho việc thẩm lậu đường từ khu thương mại đặc biệt Lao Bảo ra nội địa.

11 tháng đầu năm 2012, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 22.000 vụ việc vi phạm, trị giá ước tính gần 370 tỷ đồng. Trong số đó, có nhiều vụ việc tiêu biểu như phát hiện, điều tra vụ buôn qua tạm nhập tái xuất xăng dầu tại công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam; chuyển hồ sơ sang bộ công an khởi tố ngày 28/11/2012.

Tổng cục Hải quan

Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hoạt động này cũng diễn ra tương đối phức tạp. Mới đây, qua công tác quản lý rủi ro, thu thập thông tin tình báo, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện ra các DN lợi dụng phân luồng, tức là kiểm tra chi tiết hàng hóa nhưng gian lận về số lượng cũng như chủng loại, thu giữ lập biên bản tịch thu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ông Hoàng Khánh Hòa, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết: Một số DN lợi dụng vào quy trình tạo điều kiện thuận lợi của hải quan nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung, thực hiện việc gian lận thương mại qua các cửa khẩu chính. Việc lợi dụng các hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất, thông quan điện tử, quản lý về phân luồng hàng hóa (phân hàng luồng xanh) để gian lận qua giá, thuế, số lượng chủng loại đi qua cửa khẩu nổi lên trong thời gian qua rất phức tạp.

Số liệu công bố tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ngành hàng đường giữa Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Hiệp hội mía đường Việt Nam cho thấy: Thời gian qua, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 – 400.000 tấn đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu Lào và Campuchia, chiếm 20 – 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước. Nguồn đường nhập lậu này khiến Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỷ đồng mỗi năm, trong đó khoảng 5% thuế nhập khẩu ước khoảng 250 tỷ đồng, và mất 5% thuế VAT, khoảng 250 tỷ đồng.

Vào cuộc “tác chiến”

Trước tình trạng trên, thời gian qua, ngành Hải quan đã vào cuộc mạnh mẽ đưa ra các phương án “tác chiến” nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường kính qua hình thức tạm nhập tái xuất. Mới đây, thanh tra Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ Tài chính đã làm mẫu, làm điểm một số đơn vị và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp xử lý việc lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất để buôn lậu và thông qua tạm nhập vào nhưng không tái xuất.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đang tiến hành cho thanh tra, kiểm tra đồng loạt tất cả 34 cục Hải quan tỉnh, thành phố, rà lại tất cả các lô hàng tạm nhập tái xuất kể cả từ năm 2009 đến năm 2012. Qua đó sẽ nắm bắt được DN nào kê khai đúng, DN nào tạm nhập tái xuất đúng thời hạn hay không đúng thời hạn, đã nộp thuế khi chuyển đổi tiêu thụ nội địa hay chưa, có chấp hành xử phạt của cơ quan hải quan hay không, cán bộ hải quan đã làm đúng quy trình, quy định chưa…

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các giải pháp và chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục đòi hỏi đặt ra đối với mỗi đơn vị hải quan phải có giải pháp cho riêng mình ứng với tình hình cụ thể của từng địa bàn.

Ông Hoàng Khánh Hòa, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: “Để đối phó với thực trạng trên, Hải quan Lạng Sơn đã triển khai các giải pháp một mặt là tăng cường cán bộ, mặt khác phối kết hợp với các lực lượng chức năng biên phòng, công an quản lý thị trường vào cuộc mạnh mẽ “tác chiến” ngăn chặn tình trạng gian lận này. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác thông tin, quản lý rủi ro, rồi đấu tranh sàng lọc các DN kinh doanh những mặt hàng nhạy cảm, thuế suất lớn đi qua các cửa khẩu”.

Cùng vào cuộc mạnh mẽ như Hải quan Lạng Sơn, Hải quan Quảng Trị cũng đã đưa nhiều giải pháp hữu ích. Ông Lê Văn Tới, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho hay “Chúng tôi có đề nghị với UBND tỉnh và gần đây nhất đã kiến nghị với Tổng cục Hải quan để kiến nghị Bộ Tài chính dừng ngay việc nhập khẩu mặt hàng đường vào khu thương mại, chỉ cho nhập trên cơ sở là phải có hạn ngạch như áp dụng với hạn ngạch mặt hàng đường ở nội địa.”

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 12-2012

Chống buôn lậu: Quyết liệt cuối năm

Phạm Hạnh

(Tài chính) Sau vụ buôn lậu xăng dầu dưới hình thức tạm nhập tái xuất được ngành Hải quan bắt giữ, mới đây hành vi buôn lậu này lại diễn ra với mặt hàng đường kính. Ngành Hải quan đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm ngăn chặn hành vi này, tuy nhiên những thủ đoạn tinh vi và kẽ hở chính sách đang tạo ra khó khăn cho lực lượng Hải quan…

Xem thêm

Video nổi bật