Công tác quản lý rủi ro: Phát triển ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để đạt mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuống còn dưới 10% và năm 2020 dưới 7%, đặt ra yêu cầu đối với công tác Quản lý rủi ro (QLRR) cần tiếp tục được củng cố, hoàn thiện một cách toàn diện, đảm bảo sự gắn kết giữa các hoạt động nghiệp vụ, tạo ra sự “cân bằng giữa tạo thuận lợi và kiểm soát”.

Công tác quản lý rủi ro: Phát triển ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan
Cán bộ Công chức Hải quan Khu thương mại Lao Bảo kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: baohaiquan.vn

Hiệu quả nhưng còn hạn chế

Theo Ban QLRR Hải quan - Tổng cục Hải quan, những năm qua, ngành Hải quan đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, đẩy mạnh áp dụng QLRR trong các hoạt động nghiệp vụ, bước đầu đạt được những thành quả quan trọng. Công tác QLRR đã hình thành hành lang pháp lý ban đầu cho việc thực hiện QLRR trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Trên thực tế, công tác QLRR đã thiết lập các bộ dữ liệu QLRR phục vụ kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa XNK thương mại; thiết lập phân hệ tiêu chí phục vụ đánh giá rủi ro, phân luồng kiểm tra trong thông quan hàng hóa XNK như miễn kiểm tra; kiểm tra chi tiết hồ sơ; kiểm tra thực tế hàng hóa (bao gồm phân luồng kiểm tra qua máy soi); yêu cầu xuất trình chứng từ trước khi quyết định giải phóng hàng hoặc thông quan hàng hóa; rà soát kiểm tra sau thông quan (phúc tập hồ sơ). Đồng thời, hệ thống QLRR còn đưa ra cảnh báo rủi ro và chỉ dẫn nghiệp vụ định hướng cho công chức tiến hành hoạt động kiểm tra hải quan; cũng như trên cơ sở kết quả phân tích xác định trọng điểm, cung cấp các đối tượng, hồ sơ có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh, theo dõi, giám sát...

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia trong công tác QLRR, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác QLRR đang còn bộc lộ một số hạn chế về cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho việc triển khai áp dụng công tác QLRR; tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động QLRR chưa đảm bảo chuyên sâu, thống nhất toàn Ngành. Công tác thu thập, xử lý thông tin hải quan chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những hạn chế, bất cập, gây cản trở không nhỏ trong việc triển khai thủ tục hải quan điện tử, cũng như đáp ứng tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của ngành Hải quan; hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ QLRR còn thấp; hệ thống thông tin, dữ liệu còn phân tán, chưa được nâng cấp, xây dựng kịp thời; đầu tư, xây dựng phát triển các hệ thống ứng dụng thông tin còn dàn trải, chồng chéo, thiếu sự quy hoạch tổng thể thống nhất.

Định hướng phát triển

Vào cuối tháng 7/2013, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1773/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực QLRR (QLRR) của ngành Hải quan giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020”. Mục tiêu nổi bật của Đề án là triển khai áp dụng QLRR một cách có hệ thống, sâu, rộng và hiệu quả trong các khâu hoạt động nghiệp vụ hải quan, hỗ trợ tích cực cho thủ tục hải quan điện tử. Cùng với đó, công tác thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro được phát triển ngang tầm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiệp vụ hải quan; đảm bảo chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn trước đối với các nguy cơ vi phạm pháp luật về hải quan. Trong đó, việc quản lý tuân thủ DN trở thành cốt lõi trong QLRR; xây dựng môi trường tuân thủ với sự tham gia tích cực, tự nguyện của DN hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Ban QLRR Hải quan - Tổng cục Hải quan, việc xây dựng Đề án  xuất phát từ yêu cầu khắc phục các mặt tồn tại thời gian qua đưa QLRR trở thành một hoạt động xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan; đáp ứng kịp thời yêu cầu đặt ra của tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan trong tình hình mới; tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính, hội nhập quốc tế, phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ của Hải quan thế giới áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan...