Doanh nghiệp vẫn khó với thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Theo baohaiquan.vn

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay DN gặp nhiều khó khăn và mất rất rất nhiều thời gian do có nhiều giấy phép con trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều này là rào cản và kiềm chế sự phát triển đối với hoạt động của DN.

Hoạt động phân tích hàng hóa tại Cục Kiểm định hải quan. Nguồn: PV.
Hoạt động phân tích hàng hóa tại Cục Kiểm định hải quan. Nguồn: PV.
Mặc dù kiểm tra chuyên ngành không trực tiếp liên quan đến hoạt động của ngành Hải quan, nhưng theo ông Khương lại trực tiếp liên quan đến hoạt động XNK của DN. Và hiện có quá nhiều văn bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm DN dễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin. 

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan Hải quan với cơ quan quản lý chuyên ngành chưa được chặt chẽ. Nhiều khi DN phải tự chạy đi tới cơ quan giám định yêu cầu ký giấy xác nhận mà vẫn không được chấp nhận.

Đơn giản khi DN muốn NK 1 lô thép về Việt Nam phải mất 24 tiếng mới xin được công văn đến của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sau khi có công văn đến DN nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho cơ quan Hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chờ đợi 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn NK để thông quan tờ khai hải quan. 

Để tạo điều kiện cho DN, theo ông Khương cần có 1 hệ thống phân nhánh văn bản cụ thể rõ ràng để phân biệt tách lọc và chọn lựa các quy định của các cơ quan chuyên ngành một cách nhanh, dễ dàng và chính xác nhất. Đặc biệt, cần xem xét giảm bớt giấy phép con, giấy phép chuyên ngành nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN.

Xác định thủ tục kiểm tra chuyên ngành là điểm nghẽn lớn đối với hoạt động XNK của DN, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa NXK (theo Quyết định 2026/QĐ-TTg năm 2015). Đến nay, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ ban rà soát được 50 danh mục hàng hóa có kèm mã HS; xây dựng 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 6 địa điểm có lưu lượng hàng hóa XNK lớn như Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Lạng Sơn...; trình Thủ tướng thành lập Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan). Đặc biệt, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ bố trí mặt bằng cho các bộ, ngành đặt phòng thí nghiệm tại các khu vực cửa khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Ngoài giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Đến nay có 41 thủ tục được kết nối và từ nay đến cuối năm 2017 kết nối thêm 22 thủ tục theo kết hoạch.