Hải quan Hải Phòng: Mở rộng đối tượng kết nối trong kiểm tra, giám sát hàng hóa

Theo baohaiquan.vn

Với Đề án đang được Cục Hải quan Hải Phòng khẩn trương thực hiện, đối tượng doanh nghiệp tham gia kết nối với cơ quan Hải quan để giám sát hàng hóa XNK sẽ được mở rộng hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hoạt động xuất nhập khẩu ở cảng Green Port, Hải Phòng. Nguồn: PV.
Hoạt động xuất nhập khẩu ở cảng Green Port, Hải Phòng. Nguồn: PV.

Mở rộng đối tượng

Cục Hải quan Hải Phòng là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành thực hiện Điều 41 của Luật Hải quan về kết nối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan.

Lộ trình thực hiện:

Theo kế hoạch, từ nay đến 20/4 Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) mở cổng để doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi kiểm tra kết nối thử với chuẩn dữ liệu mới thuộc Đề án; lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chạy thử.

Từ ngày 20/4 đến ngày 20/5 sẽ tổ chức chạy thử hệ thống tại một số doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đáp ứng đủ điều kiện, đồng thời chỉnh sửa, hoàn thiện, xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình chạy thử.

Ngày 1/6/2017, Hải quan Hải Phòng sẽ chính thức triển khai hệ thống.

Từ đầu năm 2015, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan triển khai thí điểm công tác giám sát Hải quan theo Điều 41 tại cảng Nam Hải Đình Vũ (ngày 22/9/2015). Tính đến nay, Cục đã triển khai tới 9/14 doanh nghiệp kinh doanh cảng tại khu vực cảng Hải Phòng. Việc triển khai đã phần nào mang lại hiệu quả trong quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Cục Hải quan Hải Phòng cũng thẳng thắn chỉ ra, quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc. Đó là: Thiếu quy trình quản lý, giám sát hàng hóa XNK, xuyên suốt từ khi vào, ra, lưu giữ, vận chuyển tại các khu vực cảng, kho, bãi; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ, vận chuyển của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi; các phần mềm quản lý của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và Hải quan chưa đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát.
Mặt khác, việc kết nối thời gian vừa qua mới thực hiện giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh cảng và thực hiện giám sát đối với hàng hóa là container nên hiệu quả chưa cao.
Xuất phát từ yêu cầu quản lý hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động báo cáo và Tổng cục Hải quan đã đồng ý giao cho Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì triển khai Đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống điện tử”.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) cho hay, Đề án đang được gấp rút triển khai sẽ có nhiều điểm mới so với quá trình thực hiện thí điểm trước đây.
Đầu tiên chính là mở rộng đối tượng doanh nghiệp kết nối. Ngoài doanh nghiệp kinh doanh cảng sẽ có thêm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng chuyên dụng. Kéo theo đó, đối tượng hàng hóa được giám sát cũng mở rộng hơn, bao gồm cả hàng hóa có tính chất đặc thù như hàng rời, hàng lỏng, không gói gọn chỉ là hàng đóng trong container như vừa qua.
Lợi ích 3 bên
Đáng chú ý, việc kết nối sắp tới sẽ được triển khai một cách đồng bộ để giúp cơ quan Hải quan theo dõi, quản lý, giám sát được hàng hóa trong suốt quá trình lưu thông trong địa bàn quản lý.
“Trong suốt quá trình này, mọi sự thay đổi, biến động liên quan đến từng lô hàng đều được kiểm soát một cách chặt chẽ. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan mà ngay các chủ hàng cũng sẽ yên tâm, bớt đi gánh lo về nguy cơ bị tráo đổi, đánh cắp hàng hóa. Mặt khác, việc nâng cao mức độ hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng để kết nối với cơ quan Hải quan cũng giúp họ tăng được sức cạnh tranh.
Như vậy, thực hiện phối hợp giám sát sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên là cơ quan Hải quan, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng và chủ hàng”- một cán bộ Hải quan Hải Phòng có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện phối hợp giám sát, chia sẻ.
Việc kết nối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan tại Hải quan Hải Phòng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2017 của Tổng cục Hải quan diễn ra ngày 3/4, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn một lần nữa yêu cầu Cục và các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ, triển khai đúng lộ trình, đảm bảo hiệu quả, chất lượng để sẵn sàng nhân rộng ra toàn Ngành trong thời gian tới.

Được biết, thời gian gần đây, tại Cục Hải quan Hải Phòng công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương.

Đặc biệt, lần này, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện (khác với việc thực hiện vào cuối năm 2015 do một Phó Cục trưởng chỉ đạo trực tiếp), điều này cho thấy quyết tâm chính trị lớn của Hải quan Hải Phòng trong việc tiên phong triển khai một trong những nội dung quan trọng về cải cách, hiện đại hóa mà toàn Ngành đang hướng đến hiện nay.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, các mục tiêu quan trọng của Đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống điện tử” là: Giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu, xuyên suốt từ khi hàng hóa được dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống cảng, làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan vào nội địa hoặc chuyển sang chế độ khác;

Giám sát, quản lý xuyên suốt từ khi hàng hóa xuất khẩu được tập kết làm thủ tục xuất khẩu, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan và xuất cảnh ra nước ngoài. Việc giám sát, quản lý được sử dụng Hệ thống CNTT để trao đổi dữ liệu giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.

Trong đó, cơ quan Hải quan thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, kiểm soát tự động trên Hệ thống dựa trên đánh giá rủi ro nhằm đảm bảo tập trung nguồn lực quản lý để kiểm tra, giám sát và kiểm soát trọng điểm các nguy cơ rủi ro, vi phạm pháp luật có thể xảy ra đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh XNK của doanh nghiệp…