Một danh mục hàng hóa 42 văn bản quy định

Theo baohaiquan.vn

Sự chồng chéo là một trong những bất cập trong công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, có những danh mục hàng hóa được quy định tại 42 văn bản, có văn bản từ năm 2004 như Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

CBCC Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội kiểm tra hàng hóa XNK. Nguồn: PV.
CBCC Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội kiểm tra hàng hóa XNK. Nguồn: PV.
Đây là một trong những vấn đề được Bộ Tài chính đề cập tại văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây.

Bộ Tài chính cho biết, nhiều danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành được quy định tại nhiều văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chẳng hạn danh mục thủy sản thuộc diện quản lý chuyên ngành được quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT; Quyết định 13/QĐ-BNN-TCTS năm 2016; Quyết định 38/2008/QĐ-BNN và Quyết định 57/2008/QĐ-BNN. Các danh mục này trùng lắp và không thống nhất.

Hay danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hiện đang được quy định tại 42 văn bản, có văn bản từ năm 2004 (như Quyết định 74/2004/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính sự chồng chéo trong hệ thống văn bản khiến cho cả cơ quan Hải quan và DN đề gặp vướng mắc trong quá trình áp dụng. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hợp nhất, chuẩn hóa danh mục quản lý chuyên ngành để các doanh nghiệp và cơ quan Hải quan thuận lợi trong việc tra cứu, áp dụng.

Các danh mục hàng hóa XK, NK, quá cảnh chịu sự quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kèm theo bảng mã, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra… phù hợp với danh mục hàng hóa XNK Việt Nam kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa XK, NK theo hướng: thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá theo mức độ rủi ro của hàng hóa XNK và mức độ tuân thủ của DN; áp dụng chế độ DN ưu tiên; chuyên thời điểm kiểm tra sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan (trừ kiểm tra an toàn thực phẩm đối với trường hợp mặt hàng NK có nguy cơ cao).