Ngành Hải quan nâng chất lượng cải cách, kết nối chia sẻ với doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

Trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đột phá là triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Đó là phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan đối với DN Hàn Quốc diễn ra chiều ngày 17/9.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2018. Nguồn: PV.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2018. Nguồn: PV.

Cải cách vì hoạt động doanh nghiệp

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, kể từ sau Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan đối với DN Hàn Quốc năm 2017, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XNK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các điều ước quốc tế và Hiệp định thương mại tự do, Luật Hải quan, Luật thuế XK, thuế NK và các luật có liên quan. 

Theo đó, thời gian qua, ngành Hải quan đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 223 thủ tục hải quan, hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. 

Ngành Hải quan cũng đã kết nối với các hãng hàng không nắm thông tin về hàng hóa NK, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các DN hoạt động gia công sản xuất XK; triển khai nộp thuế qua ngân hàng… 

Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, đã điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giúp giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng kịp thời cho đối tác, giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và DN, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN, phù hợp với sự phát triển của thương mại quốc tế. Tiếp tục cải cách thủ tục hải quan theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho DN XNK. 

Tính đến ngày 15/8, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với 68 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ trên 1,4 triệu bộ và trên 23,4 nghìn DN tham gia. Dự kiến đến cuối năm 2018, sẽ có 196 thủ tục hành chính được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 173/183 thủ tục, đạt 94,5% trong tổng số 164 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đó, tính đến 31/8, đã có 73 nghìn bộ với 11.889 đối tượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 11.710 DN và 179 cá nhân tham gia. 

Đặc biệt, cơ quan Hải quan đã xây dựng và áp dụng chương trình quản lý, giám sát hàng hóa tự động nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN, tối ưu hóa hoạt động giao nhận hàng hóa của DN kinh doanh cảng, kho, bãi và nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hải quan.

Hải quan tiếp tục kết nối, chia sẻ, đồng hành với DN

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi, phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN Hàn Quốc và các cơ quan để tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành nhằm hoàn thiện và đưa vào thực hiện các văn bản pháp luật về hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại. 

Đồng thời, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ hải quan để phù hợp quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của công chức hải quan và phía DN cũng có thể giám sát được việc làm của công chức hải quan khi thực hiện nhiệm vụ. 

Đặc biệt, ngành Hải quan sẽ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ hợp lý theo quy trình nghiệp vụ hải quan mới để đảm bảo tính thông suốt, đẩy nhanh thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thông quan hàng hóa. Tiếp tục kiến nghị và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành thông qua việc mở rộng các thủ tục thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, danh  mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng rộng rãi quản lý rủi ro trong kiểm tra và thực hiện công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra chuyên ngành sản phẩm NK với các nước.

Tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với DN, thay từ tư duy cơ quan Hải quan là người quản lý còn DN là người bị quản lý sang tư duy hải quan và DN hợp tác để cùng thực hiện tốt các quy định về quản lý nhà nước về hải quan. 

Ngành Hải quan luôn hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam Chuyên nghiệp- Minh bạch- Hiệu quả. Để thực hiện các mục tiêu này, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh: “Cơ quan Hải quan luôn xây dựng mối quan hệ với DN theo hướng đồng hành, chia sẻ và kết nối. Việc tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan với DN Hàn Quốc là minh chứng cho quyết tâm đó. Đây cũng là những hoạt động mà cơ quan Hải quan triển khai để có thể tiếp tục kết nối- chia sẻ- đồng hành với cộng đồng DN, đặc biệt là những giải pháp mà cơ quan Hải quan sẽ thực hiện nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát thi hành pháp luật trong lĩnh vực hải quan”.