Phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp: Nỗ lực từ hai phía

Theo baohaiquan.vn

Theo Tổng cục Hải quan, phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN là chủ trương phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Chính phủ rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Thông qua nhiều hình thức triển khai như tuyên truyền, hỗ trợ thực thi pháp luật hải quan; tham vấn về các nội dung thời sự gắn với hoạt động của DN, hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả.

Công chức Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư- Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn thủ tục cho DN. Nguồn: PV.
Công chức Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư- Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn thủ tục cho DN. Nguồn: PV.

Tuyên truyền trọng tâm

Theo ông Hoàng Đình Trung, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, năm 2017 hoạt động phát triển quan hệ đối tác tập trung nhiều đến cộng đồng DN, người dân trong hợp tác thực thi pháp luật hiệu quả, minh bạch, đáp ứng chủ trương và yêu cầu của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư cho DN. Bên cạnh đó, phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN cũng góp phần vào thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của ngành Hải quan thông qua các hoạt động hỗ trợ DN thực hiện thủ tục, kiểm soát việc thực hiện thủ tục tốt để DN nộp đúng, đủ thuế vào NSNN. Triển khai cụ thể mục tiêu này, việc hỗ trợ thực thi pháp luật hiệu quả, minh bạch được ngành Hải quan thực hiện từ Trung ương đến địa phương.

Tại cơ quan Tổng cục Hải quan, điểm nhấn trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN là việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền phục vụ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia, Đề án Kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại, nhằm tuyên truyền, vận động các DN hoạt động trong lĩnh vực XNK và vận tải quốc tế hiểu rõ, tích cực tham gia các hoạt động trên. Bốn hội nghị tuyên truyền đã được Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan phối hợp với các đơn vị Vụ, Cục thuộc Tổng cục tổ chức tại 2 địa bàn lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tháng 6 và 7/2017. Đã có hơn 600 đại biểu tham dự là đại diện cho Diễn đàn kinh tế tư nhân; Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Ông Hoàng Đình Trung cho rằng, thông quan các cuộc hội nghị tuyên truyền này, DN sẽ thấy rõ lợi ích khi tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Đề án kiểm tra chuyên ngành và các cam kết quốc tế. Qua đó cũng thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng DN khi tham gia các hoạt động trên như: Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin, tham gia tham vấn với cơ quan Hải quan trong quá trình triển khai; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến cơ quan quản lý có thẩm quyền…

Nhiều điểm nhấn phát triển quan hệ đối tác

Tại các cục hải quan tỉnh, thành phố, việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác với doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp để thúc đẩy hoạt động hải quan trên địa bàn; đồng thời đây cũng là kênh để tuyên truyền chính sách pháp luật mới nhanh chóng, hiệu quả.

Chẳng hạn tại Cục Hải quan Bình Dương, công tác hợp tác, đối tác với cộng đồng luôn được chú trọng trong quá trình triển khai các hoạt động nghiệp vụ, thông qua việc thường xuyên tổ chức đối thoại với DN theo từng lĩnh vực, chuyên đề và thường xuyên kiện toàn lại Tổ tư vấn, giải đáp trực tuyến và Tổ Phát triển quan hệ đối tác theo thực tế công việc.

Từ đầu năm tới nay, Tổ tư vấn và giải đáp trực tuyến đã tư vấn, trả lời trên 140 câu hỏi cho các DN qua các hình thức như: Email, điện thoại và qua website của đơn vị. Cùng với đó, Cục Hải quan Bình Dương đã tổ chức 11 hội nghị tập huấn, hướng dẫn văn bản pháp luật với sự tham gia của 1.000 DN; 37 văn bản pháp luật đã tuyên truyền phổ biến tới cộng đồng DN. Trong hoạt động tham vấn, ở cấp chi cục đã thực hiện 12 lượt, qua đó hai bên đã trao đổi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật, quy trình thủ tục hải quan cho DN, các bên đã đạt được sự thống nhất xử lý các vấn đề tồn tại trên cơ sở hiểu biết, tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau.

Theo Cục Hải quan Bình Dương, trong năm 2017, bên cạnh các hội nghị định kỳ với các hiệp hội, hoạt động đối thoại DN đã được đơn vị đổi mới theo hướng chủ động trao đổi thông tin với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật về hải quan của giám đốc các DN, từ đó xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn cho đối tượng giám đốc DN theo từng nội dung chuyên đề. Đây là cách làm phù hợp với nhu cầu thực tế của DN, đảm bảo tính chuyên sâu, cụ thể từng nội dung so với cách tổ chức hội nghị theo hình thức truyền thống, đại trà. Qua đó, đã lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của DN để tháo gỡ hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết; nhờ đó, bước đầu tạo niềm tin cho cộng đồng DN, giúp DN yên tâm ổn định sản xuất từ đó kim ngạch XNK hàng hóa tăng, góp phần duy trì ổn định nguồn thu NSNN.

Tại Cục Hải quan Quảng Ninh, năm 2017 đã ghi nhận sự chủ động và đổi mới trong phương pháp trao đổi thông tin với DN thông qua việc tổ chức đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với 42 DN. Qua đó, cơ quan Hải quan đã nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Kết quả đã ghi nhận 21 vướng mắc của DN, trong đó nhiều vướng mắc đã được giải đáp, một số vướng mắc vượt thẩm quyền đã được báo cáo để được giải đáp.

Trong hoạt động tham vấn, Cục Hải quan Quảng Ninh tăng cường khuyến khích DN chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động tham vấn với cơ quan Hải quan thông qua việc đề xuất nội dung, giải pháp cho các vấn đề được tham vấn, trong đó ưu tiên tham vấn các DN thường xuyên làm thủ tục. Kết quả, 6 buổi tham vấn Hải quan-DN và các bên liên quan đã được tổ chức, qua đó các bên tham gia tham vấn đã thống nhất với các giải pháp đưa ra tham vấn và nhất trí trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định các vấn đề vượt thẩm quyền.  

Qua quá trình triển khai các giải pháp phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN, theo phản ánh của Hải quan địa phương, vẫn còn tình trạng DN có tâm lý e ngại khi nêu vấn đề khó khăn, vướng mắc với cơ quan Hải quan. Nguyên nhân chính là tâm lý cố hữu của DN, phần còn lại xuất phát từ thái độ tiếp xúc với DN của một bộ phận CBCC hải quan chưa thật sự cầu thị, chưa hướng dẫn cụ thể cho DN. Để tháo gỡ “nút thắt” này, các chi hội, hiệp hội chính là các cầu nối hữu hiệu giúp DN mạnh dạn nêu vấn đề, phần còn lại là cách thức xử lý của cơ quan Hải quan để đạt đến mục tiêu là đối tác thật sự trong mối quan hệ đối tác Hải quan-DN.