Xuất khẩu vàng: Lưu ý khi lựa chọn đơn vị giám định

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Vừa qua, một số Chi cục Hải quan lúng túng khi sử dụng chứng thư giám định vàng của các tổ chức giám định vàng nguyên liệu để làm thủ tục xuất khẩu. Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 4492/TCHQ-GSQL ngày 06/8/2013 lưu ý các đơn vị khi lựa chọn đơn vị giám định.

Xuất khẩu vàng: Lưu ý khi lựa chọn đơn vị giám định
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Hải quan năm 2005 thì cơ quan hải quan được lấy mẫu, trưng cầu phân tích, giám định hàng hóa và sử dụng kết quả phân tích, giám định để làm thủ tục.
 
Khi làm thủ tục xuất khẩu vàng nguyên liệu, để tránh việc căn cứ vào chứng thư giám định vàng của tổ chức không đủ chức năng giám định vàng nguyên liệu, dẫn tới thu thuế không đúng bản chất hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã có trao đổi về nghiệp vụ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về vấn đề này. Căn cứ vào ý kiến những đơn vị này, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc lưu ý khi làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng vàng.
 
Theo đó, đối với vàng nguyên liệu có hàm lượng 99,99%, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì chỉ có công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có máy móc thiết bị phân kim vàng 99,99% và kiểm định vàng. Do đó, các đơn vị được căn cứ vào chứng thư giám định vàng 99,99% của SJC để làm thủ tục xuất khẩu.
 
Đối với vàng nguyên liệu và vàng trang sức có hàm lượng dưới 99,99%, căn cứ vào kết luận của tổ chức giám định có chức năng giám định vàng được các Bộ, ngành chức năng chỉ định hoặc các thương nhân giám định đủ điều kiện giám định mặt hàng vàng theo quy định tại Luật Thương mại và Nghị định số 0/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ.
 
Trường hợp không có tổ chức giám định nào đủ điều kiện nêu trên thì trưng cầu giám định tại công ty SJC để làm thủ tục. ​
Điều 256 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định.
 
Điều 257 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định thương mại. Theo đó thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
2. Có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 259 của Luật này;
3. Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hoá, dịch vụ đó.

Điều 259 quy định giám định viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;
b) Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;
c) Có ít nhất 03 năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ. ​