Xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế

Theo Báo Hải quan

Tổng cục Thuế vừa công bố "Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam" khẳng định quyết tâm của lãnh đạo ngành Thuế trong việc minh bạch hóa hoạt động, cải cách thủ tục hành chính Thuế.

 Xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện Tuyên ngôn ngành Thuế
Việc ban hành Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam là cam kết của ngành Thuế trong cải cách thủ tục hành chính

Trao đổi với phóng viên, Vụ trưởng phụ trách công tác Cải cách và Hiện đại hoá ngành Thuế - Tổng cục Thuế, Nguyễn Quang Tiến cho biết, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ chế thường xuyên giám sát thực hiện Tuyên ngôn tại cơ quan Thuế các cấp.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến, đối với tổ chức ban hành Tuyên ngôn, việc ban hành và triển khai hiệu quả Tuyên ngôn của tổ chức đó phải đạt được các mục tiêu: Đảm bảo sự nhất trí trong tổ chức về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, phương châm hoạt động và trách nhiệm của tổ chức đó;  Cung cấp một cơ sở hoặc tiêu chuẩn để huy động, liên kết và phân phối nguồn lực của tổ chức; nâng cao năng lực nguồn nhân lực của tổ chức...

Đối với khách hàng, đối tác của tổ chức ban hành Tuyên ngôn thì Tuyên ngôn của tổ chức đó phải giúp khách hàng, đối tác hiểu được một cách rõ ràng, cụ thể về:  mục tiêu và hoạt động của tổ chức; hình ảnh tương lai của tổ chức;  những giá trị mà tổ chức đó cam kết mang lại cho khách hàng như sự chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, công bằng, nhất quán… trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ.

Một số tổ chức đã ban hành và tổ chức thực hiện Tuyên ngôn, qua đó đã tạo ra “văn hoá” riêng, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tổ chức trong điều kiện môi trường hoạt động có nhiều biến động như hiện nay. Ví dụ: ngành Hải quan Việt Nam, Công ty Intel… Tuy nhiên, vẫn có một số tổ chức khác lại gặp phải những khó khăn và bất trắc lớn trong quá trình hoạt động, tồn tại và phát triển do chưa tạo được dấu ấn “văn hoá” riêng do chưa có một Tuyên ngôn của tổ chức hoặc dù đã xây dựng được một Tuyên ngôn của tổ chức nhưng lại không tuyên truyền, quảng cáo tốt về Tuyên ngôn, không giám sát tốt việc thực hiện Tuyên ngôn.

Đối với ngành Thuế, sau khi ban hành Tuyên ngôn, Tổng cục Thuế dự kiến có một chương trình hành động cụ thể như xây dựng bộ tài liệu chi tiết hướng dẫn thực hiện Tuyên ngôn theo từng chức năng hoạt động quản lý thuế, chú trọng đến việc hướng dẫn, tuyên truyền về Tuyên ngôn tới người nộp thuế, cộng đồng xã hội và toàn thể cán bộ công chức thuế; thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện Tuyên ngôn.

Thông qua việc hướng dẫn, tuyên truyền sẽ giúp cho người nộp thuế, và công chức thuế hiểu được đầy đủ mục tiêu, ý nghĩa của Tuyên ngôn, qua đó:  giúp tăng sức thu hút của ngành Thuế đối với người nộp thuế, củng cố mối quan hệ giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế,, thu hút thêm người nộp thuế, mới...

Việc kiểm tra, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện Tuyên ngôn của Ngành cũng phải diễn ra thường xuyên nhằm đảm bảo việc thực hiện theo Tuyên ngôn được triển khai đúng yêu cầu đặt ra và xác định những kết quả, tác động trực tiếp và gián tiếp của việc thực hiện Tuyên ngôn mang lại.