Agribank hướng tín dụng vào lĩnh vực năng lượng xanh, sạch

Mai Hoa

Triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Agribank đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng; đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường, xã hội; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh…

Chủ động tham gia vào nhiều dự án có liên quan đến bảo vệ môi trường

Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Chỉ thị số 03/CT-NHNN và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, Agribank đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng; đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường, xã hội; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên về hoạt động cấp tín dụng xanh… 

Cùng với đó, Agribank chủ động hơn trong việc tham gia vào nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung - Tây Nguyên… Điển hình có thể đề cập tới một số dự án mà Agribank đã “rót vốn” như:

* Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vốn đối ứng của chủ đầu tư là 40%, vốn vay các ngân hàng là 60%.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền do Công ty cổ phần Điện Gia Lai làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 45 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 35 MW và sản lượng điện khoảng 50 triệu KWh/năm. Công trình được khởi công xây dựng trong quý IV/2017 và đưa vào hoạt động ngày 5/10/2018. 

* Agribank và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã ký kết hợp đồng tín dụng đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung (tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), với tổng vốn đầu tư xây dựng là 1.372 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay từ Agribank chiếm 58,5% tổng chi phí đầu tư trước thuế (tương đương 735 tỷ đồng); vốn đối ứng của EVNCPC là trên 521 tỷ đồng, chiếm 41,5% tổng chi phí đầu tư trước thuế.

Dự án có tổng công suất 50 MW, mỗi năm cung cấp sản lượng điện bình quân từ 87,598 GWh đến 98,147 GWh vào hệ thống điện quốc gia, góp phần cung cấp điện năng cho hệ thống điện cũng như tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.  

Ứng dụng công nghệ để “xanh hóa” hoạt động ngân hàng

Trên thực tế, bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường. Nhận thức được điều đó, Agribank thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến... góp phần thúc đẩy tín dụng xanh.

Trên nền tảng công nghệ, Agribank đã triển khai hàng loạt sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại như: Thanh toán biên mậu với các quốc gia có chung đường biên giới; thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại, với Kho bạc Nhà nước; thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước; thanh toán hóa đơn; chuyển khoản, thanh toán hóa đơn qua tin nhắn SMS; Internet Banking; E-Mobile Banking; thẻ thanh toán…góp phần tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Agribank đã cung cấp nhiều sản phẩm ngân hàng tiện ích như: Dịch vụ ngân hàng lưu động, Internet Banking, MobileBanking, QR Pay, rút tiền bằng mã code, gửi tiền và mở sổ tiết kiệm qua kênh ATM/CDM… giúp khách hàng thực hiện các giao dịch nhanh chóng và tiện lợi hơn. Cụ thể, thời gian qua, nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking của Agribank có sự tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy đà tăng trưởng tốt của những năm trước. Đến nay, đã có khoảng 5,8 triệu khách hàng sử dụng các dịch vụ này.

Như vậy, trong bối cảnh tín dụng bất động sản có xu hướng giảm, việc mở rộng vốn sang lĩnh vực xanh, công nghệ cao và năng lượng mặt trời là hướng đi tất yếu của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung, của Agribank nói riêng. Tuy nhiên, qua thực tiễn đầu tư vào các dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường của Agribank thấy rằng, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi vì việc đầu tư vốn vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn; rủi ro thị trường cao nên tiềm ẩn về nợ xấu. Vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng đang là một trong những trở ngại lớn đối với Agribank.

Với mong muốn sớm được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đầu tư vốn vào lĩnh vực xanh của Agribank nói riêng và các ngân hàng trong hệ thống nói chung, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và bền vững, các chuyên gia cho rằng: Ngân hàng Nhà nước không nên tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.