Agribank tiếp tục mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Phan Hữu Nghị

Với việc xác định nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, năm 2021, Agribank tiếp tục mở rộng cho vay ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của khách hàng tại khu vực nông thôn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cho vay nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng trưởng ổn định

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, Agribank đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Là ngân hàng có hệ thống giao dịch lớn nhất toàn quốc với 2.233 điểm giao dịch, cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank tiếp tục tăng trưởng ổn định với dư nợ đạt 841.319 tỷ đồng, chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống. 

Cụ thể, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với doanh số nợ được cơ cấu khoảng 59.000 tỷ đồng cho hơn 15.000 khách hàng; Đồng thời, thực hiện miễn, giảm lãi 5.023 tỷ đồng với 1.468 khách hàng; Số tiền lãi được miễn giảm hơn 32 tỷ đồng; Hạ lãi suất hơn 33.000 tỷ đồng với hơn 26.000 khách hàng.

Cùng với đó, Agribank thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với doanh số trên 127.000 tỷ đồng với trên 20.000 khách hàng.

Là ngân hàng có hệ thống giao dịch lớn nhất toàn quốc với 2.233 điểm giao dịch, cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank tiếp tục tăng trưởng ổn định với dư nợ đạt 841.319 tỷ đồng, chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống.

Về triển khai các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo với doanh số cho vay trên 13.000 tỷ đồng; Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch với doanh số gần 15.000 tỷ đồng; Cho vay tái canh cà phê với doanh số trên 1.300 tỷ đồng; Cho vay chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 với doanh số trên 6.000 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, Agribank cũng triển khai hiệu quả cho vay chương trình tín dụng tiêu dùng, đời sống đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt 24.068 tỷ đồng, dư nợ 2.475 tỷ đồng, số khách hàng lũy kế từ đầu chương trình là 458.326 khách hàng.

Như vậy, cùng với việc được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ, Agribank đã nỗ lực đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động trong toàn hệ thống, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu dưới mức 2%.

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của khách hàng

Với việc xác định nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, Agribank đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là tập trung mở rộng cho vay ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của khách hàng tại khu vực nông thôn; Bên cạnh đó, tiếp tục đồng hành cùng khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần nâng cao thương hiệu Agribank hiện đại, năng động, đổi mới, chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ hàng đầu.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu, Agribank gắn tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng quản lý; Tiếp tục mở rộng và tăng tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp, chủ động trong công tác tìm kiếm, tiếp cận và sàng lọc khách hàng hiệu quả, tập trung mở rộng khách hàng bán lẻ gắn với phát triển sản phẩm dịch vụ.

Trên cơ sở đó, Agribank ưu tiên tăng trưởng tín dụng tại những khu vực, chi nhánh có chất lượng tín dụng cao; hạn chế tăng trưởng tín dụng tại những khu vực, chi nhánh có chất lượng tín dụng thấp, tăng tỷ trọng cho vay các loại tài sản có hệ số rủi ro thấp, giảm tỷ trọng dư nợ đối với các loại tài sản có hệ số rủi ro cao; đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hạn mức rủi ro tín dụng, hạn mức rủi ro tập trung theo quy định.

“2021 là năm khởi đầu thập kỷ phát triển mới, với nguồn nhân lực chất lượng sẵn có, bằng nỗ lực thay đổi không ngừng, cộng với tinh thần nhiệt huyết, cống hiến, Agribank hoàn toàn có thể đổi mới, phát triển bền vững, nhanh hơn, mạnh hơn, xứng tầm với vị thế ngân hàng lớn nhất Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, Phạm Đức Ấn tin tưởng và khẳng định.

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021