Giúp nông dân cần câu và cách câu

Theo báo Quân đội Nhân dân

Giai đoạn 5 năm (2011-2015), Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Chưa bao giờ các chương trình tín dụng hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn lại được Agribank triển khai đồng loạt, tích cực như bây giờ.

Lòng hồ Thủy điện Sơn La đã trở thành vùng nuôi cá lồng phát triển trong những năm qua
Lòng hồ Thủy điện Sơn La đã trở thành vùng nuôi cá lồng phát triển trong những năm qua

Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thương Tuyên Lò Văn Quý đứng trên cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà (phần lòng hồ Thủy điện Sơn La ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), khoát tay chỉ ra mặt nước mênh mông, khẳng định: “Quỳnh Nhai bây giờ không còn là vùng đất hẻo lánh chẳng ai biết đến nữa, nguồn tài nguyên “than trắng” lòng hồ cùng đồng vốn tín dụng chính sách đang làm thay đổi cuộc sống nơi đây”.

“Than trắng” Quỳnh Nhai

Hơn nửa thế kỷ trước, trong tập tùy bút "Sông Đà", nhà văn Nguyễn Tuân đã nhắc châu Quỳnh Nhai là một trong 18 châu thành viên của Khu tự trị Tây Bắc, cũng là cái châu ít người biết đến. Bởi Quỳnh Nhai nằm xa đường quốc lộ, giao thông chủ yếu là đường thủy. Thứ duy nhất khiến Quỳnh Nhai được biết đến khi đó là mỏ than mỡ cách huyện lỵ cũ hơn chục cây số… Nhưng hôm nay, Quỳnh Nhai đã khác. Cuối năm 2010, khi Thủy điện Sơn La tích đủ nước để hình thành một hồ chứa lớn với dung tích hơn 9,2 tỷ mét khối nước, kéo theo đó là cơ cấu chuyển dịch lao động của hàng vạn cư dân sinh sống ven sông Đà, trong đó nghề nuôi cá lồng bè trở nên đặc biệt phát triển. Anh Lò Văn Quý, 35 tuổi, người dân tộc Thái, ở xã Chiềng Bằng lên đây nuôi cá đã 2 năm.

Ban đầu, anh nuôi tự phát rồi đi cất vó thuê cho người khác, nhưng đến năm 2015, anh cùng một số anh em đứng ra thành lập HTX Thủy sản Thương Tuyên. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã dăm năm. Từ anh nông dân dành đất ruộng cho Nhà nước xây thủy điện, đến khi nước hồ dâng lên, anh trở thành ngư dân và bây giờ là phó giám đốc HTX có tới 17 thành viên với 30 lồng nuôi cá, 8 vó cất cá tép dầu. Hiện nay, HTX đang nuôi cá chép, nheo, lăng, rô phi, trắm…

Gần một năm tổ chức nuôi cá lồng, đến nay HTX đã xuất được 2 lứa cá, trung bình mỗi lứa (từ 6-12 tháng tùy loại cá) tỷ lệ lãi gấp đôi số tiền đầu tư. Năm 2015, HTX đã làm thủ tục vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Quỳnh Nhai 600 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ với thời hạn 3 năm, lãi suất ưu đãi 0,8%/năm. Từ đồng vốn này, HTX đã mở rộng đầu tư, nâng quy mô lồng cá và đa dạng các loại cá nuôi.

Theo anh Quý, huyện Quỳnh Nhai có hơn 10.000ha mặt nước với nguồn thủy sản phong phú, đa dạng, đồng thời là điều kiện để bà con phát triển nuôi cá lồng bè. Từ vài HTX ban đầu, đến nay đã có hơn chục HTX nuôi cá lồng cùng nhiều hộ dân tự phát nuôi lẻ với khoảng 600 lồng cá trên vùng lòng hồ trong toàn huyện. Không chỉ vậy, Agribank huyện Quỳnh Nhai còn phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, UBND huyện, Phòng Khoa học công nghệ, Phòng Nông nghiệp, Viện Nuôi trồng Thủy sản 1… tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nuôi thả, chăm sóc cá lồng bè… Có thể nói, chính sách của Đảng, Chính phủ đã, đang và tiếp tục giúp nông dân cả cần câu lẫn cách câu.