Đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới Bộ Tài chính số


Triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, hướng tới Bộ Tài chính số, thời gian qua, ngành Tài chính đã có nhiều đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Ngành. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của ngành Tài chính ngày càng được đánh giá cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau hơn 2 năm triển khai phiên Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính theo Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính, ngành Tài chính đã không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào các hoạt động của Ngành và đạt nhiều kết quả khả quan.

Ngành Tài chính là một trong những bộ, ngành đi đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 26/03/2021, Bộ Tài chính đã triển khai, cung cấp 970 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 100 (tỷ lệ 10,30%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 289 (tỷ lệ 29,79%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 70 (tỷ lệ 7,21%); số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 511 (tỷ lệ 52,68%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 581 (tỷ lệ 59,89%).

Nhiều dịch vụ công trực tuyến quan trọng của Bộ Tài chính đã được kết nối thành công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 296/581 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 50,94%, vượt 20% so với yêu cầu của Chính phủ.

Cùng với kết nối cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã xây dựng thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ tài chính và hoàn thành kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Theo ông Nguyễn Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã hoàn thành cung cấp dữ liệu 15 chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ và 9/9 chỉ tiêu điều hành hằng ngày theo Công văn số 4699/VPCP-KSTT ngày 12/6/2020 của Văn phòng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có 6 cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính đã được hoàn thành, đi vào hoạt động và có 6 cơ sở dữ liệu thành phần đang trong quá trình hoàn thiện.

Để thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã đề xuất mô hình tổng thể về quy hoạch hệ sinh thái công nghệ thông tin hướng tới nền tài chính số; chuyển đổi mô hình hạ tầng máy chủ tính toán từ hệ thống cũ sang ảo hóa 100%, tiến tới xây dựng nền tảng điện toán đám mây ngành Tài chính. Bộ Tài chính cũng đã quy hoạch, duy trì, nâng cấp nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin nghiệp vụ lớn như: hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành; hệ thống quản lý cán bộ; hệ thống quản lý giá giai đoạn 2…

Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính Nguyễn Việt Hùng cho biết, Bộ Tài chính hiện đang tích cực triển khai một số hệ thống thông tin cốt lõi của Ngành như: các hệ thống cốt lõi của Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan và sắp tới là Tổng cục Thuế. Đặc biệt, Bộ đang nghiên cứu đưa các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống cốt lõi như: nhúng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý người nộp thuế, thí điểm ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật (IoT) vào một số lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Tài chính.

Song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa hoạt động, Bộ Tài chính còn chú trọng triển khai công tác bảo mật, đảm bảo an toàn hệ thống. Trong những năm qua, ngành Tài chính đã áp dụng các hệ thống công nghệ phục vụ rà quyét lỗ hổng bảo mật; hệ thống chống tấn công có chủ đích; xây dựng và vận hành hệ thống Trung tâm giám sát an ninh mạng (SOC) của Bộ Tài chính...

Bộ Tài chính thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong ngành Tài chính nói riêng và hệ thống lớn của Chính phủ nói chung. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ số.

Những nỗ lực trong triển khai Chính phủ điện tử ngành Tài chính được các bộ, ngành, tổ chức kinh tế, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân đánh giá cao khi liên tiếp nhiều năm liền Bộ Tài chính dẫn đầu khối các bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (chỉ số ICT index).