3 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020


Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí cho doanh nghiệp là ba nhiệm vụ căn bản hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Đó là những mục tiêu tại Quyết định số 863/QĐ-BTC ngày 23/05/2019 của Bộ Tài chính về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 5/3/2018 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019 và năm 2020.

Quyết định số 863/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 23/5/2019 và thay thế Quyết định số 884/QĐ-BTC ngày 11/6/2018 của Bộ Tài chính.

Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chỉ thị số 07/CT-TTg và Chỉ thị số 26/CT-TTg, Bộ Tài chính tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệpthực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đúng thời hạn và hiệu quả theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Tiếp tục triển khai Quyết định số 2765/QĐ-BTC ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về thực hiện Chính phủ điện tử và các Thông báo chỉ đạo của Bộ thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP trong lĩnh vực Thuế, Hải quan;

Tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện và hiệu quả Công văn số 3419/BTC-PC ngày 15/3/2016 về việc triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1491/QĐ-BTC ngày 30/07/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức dài hạn và hàng năm.

Thứ hai, đối với nhiệm vụ bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề ra các giải pháp cụ thể liên quan tới từng lĩnh vực cụ thể,  bao gồm: 

Về lĩnh vực thuế, hải quan: Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật, Nghị quyết về thuế theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đối với chính sách thuế;

Đồng thời, tiếp tục quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, kịp thời đối với hộ kinh doanh lớn; chống thất thu đối với hộ khoán; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh;

Phối hợp các ngành, các cấp triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới;

Xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Thông tư/Quyết định của Bộ Tài chính về triển khai thí điểm hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ.

Nâng cao hiệu lực hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia; Công khai trên Cổng thông tin điện tử danh sách xếp hạng chi tiết 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018;

Về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và chứng khoán, Bộ Tài chính yêu cầu đơn vị chủ trì trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đúng tiến độ nhằm cải thiện các điều kiện đầu tư gián tiếp nước ngoài; Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; Trình Chính phủ Đề án các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam; 

Về lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô phát triển.

Thứ ba, liên quan tới nhiệm vụ giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiến hành rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cải cách thủ tục hành chính và công khai, minh bạch trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá hoặc không thông qua hình thức đấu giá theo quy hoạch sử dụng đất; quy định bán đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi đất đảm bảo chặt chẽ, sát với thị trường, tránh thất thoát tài sản nhà nước;

Bên cạnh đó, Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính yêu cầu bảo đảm cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao; hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện; quy định rõ chế độ báo cáo, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Đồng thời, để thực hiện tốt 3 nhiệm vụ đề ra, Bộ Tài chính tập trung  26 giải pháp thực hiện, với 50 sản phẩm đầu ra, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, cụ thể hóa các nhiệm vụ, công việc, kết quả đầu ra để xây dựng chương trình công tác của đơn vị.