Bàn về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí trong quản lý hàng dự trữ quốc gia


Luật Dự trữ quốc gia quy định hai loại định mức trong quản lý hàng dự trữ quốc gia gồm: Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia và định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Bài viết này bàn về nội hàm, cơ sở pháp lý, thực trạng xây dựng và tổ chức thực hiện hai loại định mức nói trên, qua đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện các loại định mức trong quản lý hàng dự trữ quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tổng quan về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Nội hàm và quy định pháp luật về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia

Theo Từ điển Tiếng Việt, định mức là mức quy định về lao động, thời gian, vật liệu... để hoàn thành một công việc hay một lượng sản phẩm. Định mức kinh tế - kỹ thuật là mức hao phí cần thiết về lao động, thời gian về nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ và phương tiện để hoàn thành một đơn vị sản phẩm hoặc một khối lượng công việc nhất định. Trong một số trường hợp, định mức kinh tế - kỹ thuật còn được gọi là tắt là “định mức lượng”. Thông thường, định mưc kinh tế - kỹ thuật là định mức trung bình tiên tiến, làm cơ sở để lập kế hoạch, tính toán chi phí và hạch toán kế toán.

Trong quá trình quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) (nhập, xuất, bảo quản), mức hao phí cần thiết và được phép tiêu hao để hoàn thành một khâu công việc được xác định trên cơ sở quy trình quản lý quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của từng mặt hàng DTQG và lượng hao hụt tiêu chuẩn của từng loại hàng DTQG trong quá trình bảo quản (nếu có).

Về nội hàm, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG được hiểu là lượng lao động sống và lượng lao động quá khứ biểu hiện bằng thời gian lao động, giá trị hoặc hiện vật được phép sử dụng; hoặc là lượng hàng DTQG được phép tiêu hao để hoàn thành một công việc trong quá trình quản lý hàng DTQG theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Nhà nước quy định. Đó là mức hao phí cần thiết và được phép tiêu hao để hoàn thành một khâu công việc trong quản lý hàng DTQG (nhập, xuất, bảo quản), cụ thể:

(i) Mức hao phí cần thiết về số lượng nguyên, nhiên vật liệu (hiện vật) cho việc thực hiện và hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc;

(ii) Mức hao phí cần thiết về máy móc, thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ trực tiếp (số ca sử dụng hoặc giá trị hao mòn tài sản được phân bổ) để thực hiện và hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc;

(iii) Mức hao phí cần thiết về thời gian lao động trực tiếp (số ngày công lao động) cho việc thực hiện và hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc;

(iv) Lượng hàng DTQG được phép hao hụt trong quá trình thực hiện và hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc. Nội dung này chỉ có một số mặt hàng trong quá trình bảo quản phát sinh hao hụt về lượng, cần phải tính toán, xác định tỷ lệ hao hụt tiêu chuẩn về lượng khi xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Như vậy, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG là mức hao phí cần thiết về lượng của các yêu tố đầu vào để quản lý hàng DTQG và mức hao hụt tiêu chuẩn của hàng DTQG trong quá trình bảo quản, được xây dựng riêng cho từng mặt hàng DTQG và căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của mặt hàng DTQG tương ứng. Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG thường được xây dựng theo các phương pháp sau: Phương pháp thống kê tổng hợp; phương pháp phân tích thực nghiệm và phương pháp so sánh.

Về quy định pháp luật, Luật DTQG quy định rõ yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền trong xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG. Cụ thể là: Hàng DTQG phải được quản lý, bảo quản theo định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG (khoản 1 Điều 51). Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG (khoản 4 Điều 14). Cơ quan DTQG chuyên trách (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG (khoản 4 Điều 17).

Theo Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2013 của Bộ Tài chính quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG: Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG được xây dựng căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa DTQG do Bộ Tài chính ban hành; số liệu thống kê thực tế; các điều kiện giao nhận, vận chuyển, bảo quản; tiến bộ khoa học công nghệ và các tài liệu kỹ thuật khác (nếu có) liên quan đến hàng hóa DTQG.

Như vậy, theo quy định pháp luật, mỗi mặt hàng DTQG phải được quản lý (nhập, xuất, bảo quản) theo định mức kinh tế - kỹ thuật riêng, vì nó có mức tiêu hao khác nhau trong quá trình nhập, xuất, bảo quản. Định mức kinh tế - kỹ thuật của mỗi mặt hàng phải bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa đó do Bộ Tài chính ban hành, phải phù hợp với các điều kiện bảo đảm cho việc nhập, xuất, bảo quản, phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ bảo quản đối với mặt hàng đó.

Nội hàm và quy định pháp luật về định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Định mức chi phí là ước lượng mức chi phí để sản xuất một đơn vị sản phẩm hoặc để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc nào đó. Nói cách khác, đó là dự kiến các khoản chi phí cần thiết để sản xuất ra một sản phẩm hoặc hoàn thành một khối lượng đơn vị công việc. Định mức chi phí thường được thiết lập cho từng khoản mục chi, từng nội dung chi, dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật (định mức lượng) và mức giá tiêu chuẩn (định mức giá) của các yếu tố đầu vào. Định mức chi phí = tổng định mức lượng x định mức giá.

Trong hoạt động DTQG, có một số nghiệp vụ phát sinh chi phí cần phải xây dựng định mức chi riêng, đó là nghiệp vụ nhập hàng, nghiệp vụ xuất hàng và nghiệp vụ bảo quản hàng. Đối với nghiệp vụ xuất hàng dự trữ quốc gia, ngoài những chi phí phát sinh tại cửa kho, còn có những chi phí phát sinh từ cửa kho đến địa điểm giao nhận hàng, như: Bao bì đóng gói, vận chuyển, giao nhận...

Về quy định pháp luật, Điều 50 Luật DTQG quy định rõ thẩm quyền trách nhiệm trong việc ban hành định mức chi phí nghiệp vụ DTQG: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định định mức chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho DTQG và chi phí xuất tối đa ngoài cửa kho, chi phí bảo quản trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành quản lý hàng DTQG. Việc quy định chi phí nhập, chi phí xuất và chi phí bảo quản hàng DTQG phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG.

Theo Thông tư số 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán DTQG, các khoản chi phí nhập, chi phí xuất và chi phí bảo quản hàng DTQG được gọi chung là chi phí nghiệp vụ DTQG. Do đó, “định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG” có thể gọi ngắn gọn là “định mức chi phí nghiệp vụ DTQG”.

Tóm lại, xét về nội hàm khoa học và quy định pháp luật thì định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG và định mức chi phí nghiệp vụ DTQG là hai loại định mức khác nhau. Định mức kinh tế - kỹ thuật là mức hao phí cần thiết về lượng của các yếu tố đầu vào để thực hiện các nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản và mức hao hụt tiêu chuẩn của hàng DTQG trong quá trình bảo quản; được xây dựng căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của mặt hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành. Còn định mức chi phí nghiệp vụ DTQG là mức chi phí để thực hiện các nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG; được xây dựng căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành và giá cả thị trường, đơn giá theo quy định của Nhà nước.

Thực trạng xây dựng, tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Từ khi ban hành Luật DTQG (năm 2012) đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chủ trì tham mưu Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản và định mức hao hụt hàng DTQG, cụ thể như: Thông tư số 82/2013/TT-BTC ngày 20/6/2013 về việc quy định mức chi phí nhập, xuất và bảo quản thuốc nổ Trinitrotoluen (TNT) DTQG do Bộ Công Thương quản lý; Thông tư số 138/2014/TT-BTC ngày 22/9/2014 quy định về định mức chi phí nhập, định mức chi phí xuất tại cửa kho và định mức chi phí bảo quản thuốc nổ Pentrit (TEN) DTQG; Thông tư số 109/2015/TT-BTC ngày 22/7/2015 quy định về định mức chi phí nhập, định mức chi phí xuất tại cửa kho và chi phí bảo quản hạt giống lúa, hạt giống ngô DTQG do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý; Thông tư số 160/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý; Thông tư số 161/2015/TT-BTC ngày 15/10/2015 quy định về định mức chi phí bảo quản và định mức hao hụt hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý; Thông tư số 04/2016/TT-BTC ngày 12/01/2016 quy định về định mức thu hồi xay xát thóc DTQG thành gạo DTQG để thực hiện xuất cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 135/2017/TT-BTC ngày 22/12/2017 quy định về định mức hao hụt muối ăn DTQG (muối phơi cát).

Các định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG nêu trên được xây dựng trên cơ sở mức tiêu hao về lượng của các yêu tố đầu vào cho các nghiệp vụ nhập, xuất bảo quản đối với từng loại hàng DTQG. Việc ban hành các định mức này đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc lập dự toán và quản lý chi phí nghiệp vụ DTQG cũng như quyết toán mức hao hụt hàng DTQG trong quá trình bảo quản.

Tuy nhiên, hệ thống định mức kinh kế - kỹ thuật hàng DTQG và định mức chi phí nghiệp vụ DTQG còn một số bất cập sau đây:

Thứ nhất, hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ DTQG còn thiếu nhiều so với yêu cầu quản lý quy định tại Luật DTQG. Nhiều mặt hàng đã đưa vào dự trữ nhưng chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ để trình Bộ Tài chính ban hành theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật DTQG, như: Các mặt hàng DTQG do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương đang quản lý, bảo quản; một số mặt hàng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng, thuốc phòng chống dịch bệnh phục vụ cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản); một số mặt hàng do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý (thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh; máy khoan cắt bê tông; thiết bị khoan cắt; thiết bị phóng dây cứu hộ).

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm xây dựng, ban hành các loại định mức của các mặt hàng DTQG nêu trên là do chưa có quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG, do tính phức tạp về đặc tính kỹ thuật của hàng hóa; do mặt hàng mới đưa vào dự trữ chưa có tiêu chuẩn cơ sở, chưa có tiêu chuẩn quốc gia nên khó khăn trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Việc chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng mặt hàng dẫn tới không có cơ sở pháp lý để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ DTQG.

Thứ hai, một số định mức ban hành từ lâu, đến nay đã lạc hậu, quy trình quản lý và công nghệ bảo quản đã thay đổi nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung định mức cho phù hợp. Ví dụ như: Định mức chi phí nghiệp vụ mặt hàng thuốc nổ TNT và TEN do Bộ Công Thương quản lý, được ban hành từ năm 2013, 2014; đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chuyển hai mặt hàng này sang Bộ Quốc phòng quản lý, tuy nhiên đến nay chưa xây dựng lại định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ cho phù hợp với quy trình quản lý.

Định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý đã được ban hành từ năm 2015 (Thông tư số 160/2015/TT-BTC và Thông tư số 161/2015/TT-BTC) đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp, đang trong quá trình hoàn thiện, chưa được sửa đổi, bổ sung thay thế. Hoặc định mức hao hụt xăng dầu DTQG được vận dụng định mức hao hụt xăng dầu kinh doanh quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chính xác...

Thứ ba, quy trình xây dựng định mức còn bất cập, chưa bảo đảm cơ sở vững chắc. Như đã nói ở phần trên, định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành. Thực tế triển khai quy trình xây dựng định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG cho thấy, định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản từng mặt hàng do Bộ Tài chính ban hành vẫn được xác định trên cơ sở mức tiêu hao về lượng của các yêu tố đầu vào cho hoạt động nhập, xuất, bảo quản của mặt hàng đó, nhưng mức tiêu hao về lượng của các yêu tố đầu vào lại chưa được Bộ Tài chính ban hành dưới hình thức thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG. Do đó, quy trình xây dựng, ban hành định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG chưa căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành theo như quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật DTQG..

Thứ tư, một số bộ, ngành quản lý hàng DTQG chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và định mức trong quản lý hàng DTQG được giao quản lý; Chưa lập và trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch xây dựng định mức hàng năm, dẫn đến thiếu cơ sở để theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các loại định mức. Công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện các định mức trong quản lý hàng DTQG chưa được tăng cường, còn khó khăn bất cập. Pháp luật DTQG quy định bộ, ngành quản lý hàng DTQG có trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật gửi Bộ Tài chính để ban hành. Tuy nhiên, hầu hết các bộ, ngành quản lý hàng DTQG chưa thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống định mức trong quản lý hàng dự trữ quốc gia

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống định mức trong quản lý hàng DTQG, thời gian tới, cần chú trọng triển khai một số nội dung sau:

Một là, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG quan tâm chỉ đạo khẩn trương xây dựng, gửi Bộ Tài chính ban hành đầy đủ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng mặt hàng DTQG được giao quản lý; trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng, gửi Bộ Tài chính ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG của mặt hàng tương ứng.

Hai là, đổi mới phương pháp, quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG. Cần thực hiện bước xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; trên căn cứđó, mới tiến hành xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng DTQG theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật DTQG; qua đó bảo đảm cở sở pháp lý vững chắc và tính bền vững của các văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình xây dựng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG của các bộ, ngành và của Tổng cục DTNN; định kỳ hàng năm lập, trình Bộ Tài chính ban hành kế hoạch xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức để có cơ sở theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các loại định mức cho phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn quản lý.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí trong quản lý hàng DTQG, coi đây là một nội dung quan trọng của công tác thanh tra chuyên ngành về DTQG.

Năm là, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG theo hướng quy định rõ hơn về nội hàm, căn cứ, phương pháp, quy trình xây dựng từng loại định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi phí nhập, chi phí xuất, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các loại định mức quản lý hàng DTQG.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Dự trữ Quốc gia năm 2012;

2. Bộ Tài chính, Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2013 quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia;

3. Trần Văn Vũ, Một số nội dung cần quan tâm khi xây dựng định mức kinh tế -kỹ thuật (https://taichinh.danang.gov.vn/newsdetail.do?tinTucId=2666).

* TS. Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.