Chính sách tiền tệ: Nhìn lại một chặng đường

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Sau gần một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, có thể khẳng định quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Chính sách tiền tệ: Nhìn lại một chặng đường
NHNN tiếp tục điều hành CSTT, tín dụng thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường. Nguồn: internet
Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô (KTVM), điều kiện thị trường tiền tệ, từ sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường; phối hợp hài hòa giữa CSTT với chính sách tài khóa (CSTK) để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế, ổn định KTVM, hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý.

Lạm phát được kiềm chế, thị trường tiền tệ ổn định

Đến 31/10/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,6%, trong đó, huy động vốn VND tăng 14,06% mặc dù trần lãi suất huy động vốn VND đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Đây chính là nguồn vốn dồi dào và ổn định để các tổ chức tín dụng có dư địa giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng. Ước cả năm 2013 tổng phương tiện thanh toán tăng 16% so với cuối năm 2012, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 7%.

Lãi suất cũng được điều chỉnh theo hướng giảm dần phù hợp với diễn biến KTVM, điều kiện thị trường tiền tệ và đặc biệt là lạm phát để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Nhờ đó, lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006, lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh.

Các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng được thúc đẩy. Trong đó, ưu tiên chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Tính đến 31/10/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,18% so với cuối năm 2012, tuy còn khá xa mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013 nhưng đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (3,54%). NHNN tin tưởng, với thực tế những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm và với các giải pháp đã và đang được tích cực triển khai, thì tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11 - 12% như mục tiêu đã đề ra.

Tình trạng “vàng hóa” đã được xử lý

Sau gần một năm thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, có thể khẳng định quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

NHNN đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, giúp tăng dự trữ ngoại hối và ổn định KTVM. Vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao, nhờ đó ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng cũng đã được kiểm soát và vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán, từng bước tiến tới mục tiêu huy động được nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Có được những kết quả trên, theo các chuyên gia kinh tế, là nhờ NHNN đã kiên quyết thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng để giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Cùng với các giải pháp quản lý hành chính, NHNN triển khai các hình thức cung vàng bằng công cụ thị trường để can thiệp giữ ổn định thị trường vàng phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thông qua hình thức tổ chức 70 phiên đấu thầu bán vàng miếng (tính từ 28/3 đến 15/11/2013), quá trình NHNN tăng cung vàng miếng ra thị trường đã đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Song song với đó, NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá cũng như hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Tái cơ cấu: Chủ động và tự nguyện

Vấn đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá là một trong những thành công của ngành Ngân hàng. Nhìn chung, đồng thời với quá trình tái cơ cấu nội bộ hoặc áp dụng các giải pháp sáp nhập, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và có bước phát triển. Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng tài sản của toàn hệ thống tăng 5,67% so với cuối năm 2012; vốn chủ sở hữu tăng 8,06%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) toàn hệ thống đạt 5,55%.

Đáng chú ý, nếu như việc tái cơ cấu trong năm 2012 chủ yếu mang tính bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thì bước qua năm 2013, hoạt động tái cơ cấu đã mang tính chủ động và tự nguyện từ phía các tổ chức tín dụng.

Điều này chứng tỏ chủ trương, chính sách và các biện pháp tái cơ cấu đã được tuyên truyền, phổ biến tốt và nhận thức về tái cơ cấu ngân hàng, tư duy quản trị của các chủ sở hữu tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi căn bản theo hướng thừa nhận sự tất yếu khách quan phải tái cơ cấu để vượt qua những hạn chế, yếu kém và tăng cường năng lực cạnh tranh. Hành lang pháp lý hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục được NHNN và các cấp, các ngành ngày càng hoàn thiện.

Cùng với đó, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng và sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, các ngành nên tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 142,33 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9 nghìn tỷ đồng (tăng 20,2%) so với cuối năm 2012, tốc độ tăng bình quân 2,2%/tháng và đã giảm đáng kể so với tốc độ tăng 3,91%/tháng của cùng kỳ năm 2012. Hiện các tổ chức tín dụng đang tích cực rà soát, lập danh sách các khoản nợ xấu đủ điều kiện đề nghị bán cho VAMC.

Đến hết tháng 10/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của 14 ngân hàng với số dư nợ gốc trên 14 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

NHNN tin tưởng rằng, nếu các nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ được các thành phần liên quan triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015.