Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường 11 mặt hàng

Theo Thúy Nga/tapchithue.com.vn

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với đề xuất tăng thuế BVMT đối với 11 mặt hàng, trong đó có mặt hàng xăng, dầu. Bên cạnh ý kiến còn băn khoăn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất này nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích quốc gia, song cần có lộ trình phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quan điểm của Bộ Tài chính
Theo Luật thuế BVMT có hiệu lực từ 1/1/2012, thuế BVMT được thu đối với 8 loại hàng hóa. Luật giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế, bảo đảm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và mức độ gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay qua đánh giá, thuế BVMT đối với một số hàng hóa vẫn còn thấp so với mức độ tác động đến môi trường, do đó cần được điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, tại dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế BVMT đối với một số mặt hàng tăng lên kịch khung.
Cụ thể, đối với xăng, Bộ Tài chính đề nghị tăng lên 4.000 đồng/lít so với 3.000 đồng/lít như hiện nay (mức khung từ 1.000-4.000 đồng/lít); dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít, hiện hành là 1.500 đồng/lít (khung là 500-2.000 đồng/lít); dầu mazut, dầu nhờn được đề nghị tăng lên 2.000 đồng/lít so với hiện hành 900 đồng/lít (khung từ 300-2.000 đồng/lít); mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg như hiện nay lên 2.000 đồng/kg (khung từ 300-2.000 đồng/kg)…
Bên cạnh đó, đối với nilon, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế BVMT mức kịch khung lên 50.000/kg thay vì mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg; mức thuế đối với than antraxit dự kiến tăng từ 20.000 lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác sẽ tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng/tấn; dung dịch HCFC tăng lên 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng thuế BVMT đối với than đá do là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng.  Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế mới từ 1/7/2018.
Lý giải cho đề xuất này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) phân tích, trước hết đề xuất này xuất phát từ việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu NSNN. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đề ra giải pháp cơ cấu lại NSNN là hoàn thiện cơ cấu lại nguồn thu NSNN, phải khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường.
Cùng với đó, tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT, ngoài một số ý kiến cho rằng cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa thêm một số hàng hóa vào đối tượng chịu thuế BVMT để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, thì có ý kiến cho rằng phải làm rõ cơ sở khoa học để xem xét mở rộng khung, đồng thời đề nghị trong lúc khung thuế BVMT của Quốc hội còn cho phép thì cần thiết Chính phủ có thể điều chỉnh mức thuế BVMT. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến thông báo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế BVMT.
Đề xuất tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính còn xuất phát từ việc đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện thuế nhập khẩu đang giảm nhanh do thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tăng thuế có thể nói là một trong những nguồn để bù đắp lại nguồn thu từ nhập khẩu. Theo tính toán, việc tăng thuế dự kiến sẽ làm số thu tăng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng.  Tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào NSNN, trên cơ sở đó, phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ BVMT.
Còn trên góc độ BVMT ông Thi khẳng định, xăng dầu cũng như túi nilon, chất HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trương. Không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu và các mặt hàng này để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. 
Chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nói gì?
Cho rằng nhiều sản phẩm đang ảnh hưởng tới môi trường, vì thế việc tăng thuế BVMT đối với một số loại hàng hóa trong đó có xăng, dầu là cần thiết, chuyên gia kinh tế PGS., TS. Nguyễn Trọng Thịnh cho biết, thuế BVMT là một trong những loai thuế được nhiều quốc gia áp dụng, có ý nghĩa lớn đối với việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Thuế BVMT được áp dụng ở nhiều loại hàng hóa, chủng loại nhưng tác động nhiều nhất, rõ ràng nhất vẫn là mặt hàng xăng, dầu.
Giá xăng, dầu ở Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều nước. Điều này dẫn tới tình trạng xăng, dầu ở nước ta sẽ “chạy” sang một số nước, trong khi đây lại là mặt hàng quan trọng thuộc diện Nhà nước quản lý giá quy định. Vì thế, Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các quỹ và chính sách thuế để điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Chính vì thế, việc điều chỉnh chính sách thuế BVMT để bảo vệ giá trong nước và chống buôn lậu.
Lý do thứ hai cần được lưu ý đó là tỷ trọng thuế liên quan đến BVMT trong xăng, dầu tại Việt Nam còn thấp. Tại nhiều quốc gia, ngoài thuế BVMT, còn có các loại thuế khác liên quan đến môi trường ngay khi xe bắt đầu lăn bánh, như thuế BVMT trong mỗi kilometer xe chạy, thuế khí thải trong khi những loại thuế này ở Việt Nam không có. Do vậy, theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, tăng thuế BVMT là hợp lý, hơn nữa, mức đề xuất vẫn nằm trong khung đã được Luật thuế BVMT quy định.  
Ở khía cạnh khác, mặc dù cho rằng việc tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu sẽ khó tránh khỏi việc tăng giá xăng và tác động đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, song ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội góp ý, quan trọng nhất là phải có lộ trình và được thực hiện đúng thời điểm để doanh nghiệp có kế hoạch tài chính cụ thể. Doanh nghiệp cần được chuẩn bị “tâm lý”, tránh bị động và lúng túng trong xử lý công việc.
Mặt khác, khi tăng thuế cần phải giải thích cụ thể và rõ ràng đối với cộng đồng doanh nghiệp, tránh gây tâm lý hiểu lầm, bất an cho người dân. Việc quan trọng của tăng thuế BVMT là khi đóng thuế này, người dân được hưởng gì sau đó. Bên cạnh việc tăng thuế BVMT, ông Quốc Anh cũng cho rằng, cần siết chặt hơn nữa những vấn đề khác liên quan đến môi trường như các quy định về khí thải đối với doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông, quản lý và hạn chế xe cũ quá niên hạn…