DNNN thoái vốn ngoài ngành: Chấp nhận xử lý hay chịu lỗ?

Theo nguoiduatin.vn

(Tài chính) Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ kế hoạch hoạt động, tháng 8 là huy động toàn lực yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thoái vốn ngoài ngành nghề kinh doanh.

 DNNN thoái vốn ngoài ngành: Chấp nhận xử lý hay chịu lỗ?
Yêu cầu thoái vốn vào thời điểm này là rất gấp. Nguồn: internet

Nếu DN nào chậm thoái vốn, bê trễ, sẽ bị xử lý, thậm chí sẽ cách chức lãnh đạo đơn vị đó.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều đơn vị sẽ tìm cách trì hoãn vì nếu thoái vốn ngoài ngành vào lúc này, họ sẽ bị lỗ lớn và lãnh đạo DN sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, yêu cầu thoái vốn là rất cần thiết và không quá khó, nhiều doanh nghiệp kêu ca.

Không thể chậm trễ

Trước đó, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đã có hướng dẫn thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo đó, với các khoản đầu tư ngoài ngành tại công ty cổ phần chưa niêm yết, các tập đoàn, tổng công ty chủ động lựa chọn phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp để chuyển nhượng trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn Nhà nước và không thấp hơn giá thị trường. Các khoản đầu tư tài chính có giá trị trên 10 tỷ đồng phải thực hiện đấu giá qua sở Giao dịch chứng khoán.

Mới đây, nhiều DN Nhà nước (DNNN) cũng đã công bố thông tin về vấn đề thoái vốn. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tập trung thực hiện các phương án thoái vốn tại công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng TMCP An Bình, công ty Tài chính CP Điện lực...

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, đến năm 2015, sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ hiện nay)... Bên cạnh đó, nhiều DNNN cũng cấp tập thoái vốn để đảm bảo đúng tiến độ mà bộ Tài chính đưa ra.

Tuy nhiên, nhiều DN đã đưa ra những khó khăn nhất định, thậm chí chấp nhận thua lỗ, nhất là khi thoái vốn trong những lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong thời buổi kinh tế suy thoái.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, không thể thấy các doanh nghiệp kêu khó, kêu lỗ mà không tiến hành thoái vốn. Ông phân tích: Không phải là do suy thoái mà mình lại không làm những việc mà mình phải làm từ 10 năm nay rồi. Khi không suy thoái, chúng ta đã không thực hiện, bây giờ mà không làm thì phải chờ đến khi nào nữa. Thế nên, thoái vốn để giải quyết bài toán đầu tư ngoài ngành lúc này là rất cần thiết và cần làm ngay.

Bây giờ, thoái vốn thì chịu lỗ nhưng để đó lại còn mất tiền thêm. Vậy nên phải cắt lỗ đi. Nếu mình cứ tiếp tục đầu tư, tiếp tục “bơm” thêm tiền vào chẳng những mình không cắt được lỗ mà còn gây thất thoát thêm cho nền kinh tế. Việc làm này cũng tương tự như khi ta đi câu cá, có một con cá to móc vào lưỡi câu, ta không đủ sức để kéo lên. Lúc đó, ta cắt dây đi cho con cá nó chạy hay chấp nhận cố kéo lên để lật thuyền rồi chết chìm theo nó?

Vậy nên, vấn đề thoái vốn sẽ đánh giá được hiệu quả và chất lượng của một DN. Nếu cứ để một DN làm ăn không hiệu quả tiếp tục hoạt động và “bơm” thêm tiền cho nó thì sẽ càng tạo thêm những mất mát.

Ông Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, Nhà nước đã ra những quyết định như vậy, thì các DN, tổng công ty, phải lo mà thực hiện theo quy trình đã vạch ra, không nên viện cớ này cớ nọ để kéo dài thời gian.

Hiện nay, có những DNNN đã không còn vốn tự có, đã bào mòn hết vốn của Nhà nước rồi. Những đơn vị này nên đặt vị thế của mình như một DN tư nhân, trong hoàn cảnh đó thì nên tự biết làm thế nào? Chính vì thế, cần phải xem xét khả năng của mỗi DN. DN nào sẽ được mua lại và tiếp tục khai thác, DN nào sẽ bị xử lý chứ không thể viện cớ này nọ mà cứ tiếp tục hoạt động.

Đánh giá về thực trạng nhiều DN kêu khó khi thoái vốn trong thời buổi kinh tế khó khăn, ông Thành cho hay, đó là lý lẽ của các DN thôi bởi ngay từ ban đầu, Nhà nước không ép buộc các công ty đi vào lĩnh vực đó.

"Lựa chọn đầu tư ngoài ngành đều là do họ tự nguyện. Thế nên các DN không thể tiếp tục làm những điều sai trái, thiệt hại cho cả cộng đồng. Mình có bổn phận quản lý vốn của Nhà nước, của nhân dân, nên không ăn nên, làm ra thì phải tìm cách mà cắt lỗ", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Phải có biện pháp kiểm tra, giám sát khi thoái vốn

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ rất khó để đạt mục tiêu bảo toàn nguồn vốn khi các DN thoái vốn. TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: Bảo toàn nguồn vốn là mục tiêu chung và mang tính chất định hướng lâu dài, còn từng dự án một mà yêu cầu bảo toàn thì thực sự khó. Sở dĩ khó vì khi đưa ra quyết định đầu tư đã là sai rồi, sau đó giá cả hạ thì DN lại càng lỗ.

Những lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đương nhiên không thể tránh khỏi tình trạng trên. Hiểu cho đúng việc bảo toàn vốn phải là bao gồm giữ được cả về giá trị cũng như khả năng chi phối và hiệu ứng hiệu quả.

Thế nên TS. Phong cho rằng, trong thời điểm hiện nay, đặt mục tiêu bảo toàn vốn và và bắt thoái vốn ngay thì đúng là khó khăn. Ví dụ như những DN đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, ngân hàng mà bán tháo vào thời điểm này thì chắc chắn là lỗ. Vì vậy phải có kế hoạch cụ thể cho từng trường hợp thoái vốn. Thoái vốn là cần thiết rồi, nhưng cần xem xét thoái vào thời điểm nào.

Ông Phong nhấn mạnh: "Yêu cầu thoái vốn vào thời điểm này là rất gấp vì các DN hoạt động không hiệu quả, càng để lâu càng lỗ lớn, thất thoát lớn. Thứ hai là ngân sách đang bị mất cân đối, thất thu. Việc thoái vốn này là để lấy một phần tiền bù lại những khoản chi âm, giảm nợ công. Đây là chuyện mà các quốc gia khác trên thế giới đều làm. Chuyện thoái vốn cũng có một hàm ý đó là giảm bớt nguồn lỗ, giảm bớt những lạm dụng và tăng nguồn tiền mà chính phủ có thể điều chỉnh cho ngân sách thay vì phải dùng biện pháp phát hành trái phiếu hoặc vay nợ.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Kiến Thành lại cho rằng: Lãnh đạo Nhà nước, đặc biệt là bộ Tài chính phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tiêu cực khi các DN thoái vốn. Chuyện này không phải là mới, ở lĩnh vực nào, chúng ta cũng có bộ phận giám sát, tuy nhiên phải xem họ làm ăn thế nào? Các tập đoàn Nhà nước, các tổng công ty cứ kêu lỗ hay hoạt động không có hiệu quả thì phải thực sự mổ xẻ ra tìm trách nhiệm nó ở đâu, có giải quyết được không.

Đứng trước ý kiến cho rằng, nên bỏ trách nhiệm hình sự cho lãnh đạo DN nếu thất thoát vốn do khách quan, ông Thành bày tỏ quan điểm: Nếu hoạt động đầu tư do DN đó phát động thì ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Còn nếu là đó cơ quan cấp trên chỉ đạo, doanh nghiệp dù không đồng tình nhưng vẫn phải làm thì phải có bằng chứng giấy tờ để chứng minh điều đó. Nếu làm như thế thì sẽ quy đúng trách nhiệm cho từng người, không để xảy ra tình trạng đổ thừa trách nhiệm cho người khác.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyện các DN kêu ca là bán thời điểm này sẽ lỗ thì cũng đúng một phần nhưng phần lớn là viện cớ để họ trì hoãn quá trình này. Chính vì thế là mà bộ Tài chính mới đề xuất Chính phủ là đơn vị nào chậm trễ thì lãnh đạo sẽ bị cách chức.

Nếu các DNNN không muốn lỗ, có thể thương lượng với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Công ty quản lý tài sản VAMC. Tuy nhiên, nếu đem ra mua bán trên thị trường nợ, các lãnh đạo sẽ bị đánh giá, bị giảm điểm thi đua nên có thể nhiều người sẽ không mạnh dạn giải quyết theo cách này.