Đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công: Nhiệm vụ cấp thiết

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính

Tiếp tục thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về “Đổi mới cơ chế quản lý và phương thức cung ứng dịch vụ công là khâu đột phá quan trọng để phát triển nhanh và có hiệu quả các lĩnh vực văn hoá xã hội”; việc đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công hướng tới mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước và điều kiện thực tế của Việt Nam là hết sức cần thiết.

Thực hiện lộ trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập (Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ).

Cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động phân bổ nguồn tài chính của đơn vị theo nhu cầu chi tiêu đối với từng lĩnh vực trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực hiệu quả; khuyến khích các đơn vị mở rộng hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu; tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho người lao động; cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã bộ lộ không ít những hạn chế vướng mắc.

Thông báo số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị kết luận về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” trong đó nêu rõ: Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các hoạt động sự nghiệp công cơ bản và đảm bảo hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận các dịch vụ, đồng thời có chính sách khuyến khích xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ sự nghiệp công... Đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm từng loại hình dịch vụ, nhu cầu thị trường, trình độ quản lý để xác định mức độ, bước đi phù hợp. Thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến sâu sắc về tư tưởng nâng cao nhận thức của xã hội về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khoá XI về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” (Kết luận số 63-KL/TW) tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa một số định hướng đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công như sau: Xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi thường xuyên theo lộ trình, phù hợp với thu nhập của người dân. Xây dựng khung giá theo 3 mức: Mức giá tính đủ tiền lương; Mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; Mức giá tính đủ lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng còn khó khăn để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, tạo sự đồng thuận trong xã hội; Thực hiện cơ cấu lại và đổi mới phương thức đầu tư, cấp phát ngân sách nhà nước. Từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức “đặt hàng”, “mua” dịch vụ. Tạo môi trường bình đẳng không phân biệt giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ.

Chủ động và quyết liệt vào cuộc             

Triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị.

Trong đó nhấn mạnh 5 nội dung như: Hoàn thiện thể chế về cơ cấu và phương thức đầu tư của ngân sách nhà nước; Hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Xác định khung giá, phí dịch vụ sự nghiệp công từng bước tính đủ chi phí tiền lương, chi phí thường xuyên theo lộ trình phù hợp; Thực hiện cơ chế đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công; Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; Tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước;

Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nội dung đổi mới, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Nâng cao nhận thức về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; Hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ về các chính sách nhằm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; Tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

Để triển khai Kết luận của Bộ Chính trị trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công một cách có hiệu quả và tích cực hơn, Bộ Tài chính đề nghị: Các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các nội dung đổi mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế tài chính đối với lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành và đối với các đơn vị sự nghiệp tại địa phương; Đề nghị Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung thí điểm về mở rộng quyền tự chủ tài chính và cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm đến công tác xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công. Rà soát điều chỉnh quy hoạch về đất đai, các cơ sở xã   hội hóa dịch vụ sự nghiệp trên địa bàn nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực của xã hội để chăm lo phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Trên cơ sở các đề án đổi mới của ngành, lĩnh vực, chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn triển khai thực hiện thí điểm về mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động và tài chính và cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn để điều chỉnh mức giá, phí dịch vụ sự nghiệp công thuộc thẩm quyền của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập và phù hợp với khả năng chi trả của người dân trên địa bàn.