Dự thảo về xử lý vi phạm và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

LH

(Tài chính) Thuế là một nguồn thu quan trọng của mọi quốc gia. Quản lý thu thuế là một vấn đề được đặt lên hàng đầu. Người thu thuế phải xác định việc thực hiện chế độ thu nộp thuế không những là trách nhiệm mà còn là hành vi đạo đức của công dân khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ảnh trên internet
Ảnh trên internet
Hiện nay, hiện tượng trốn thuế, trây ỳ và nợ đọng thuế vẫn đang diễn ra với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, gây thất thoát không nhỏ cho NSNN, gây bất ổn trong quản lý điều hành thu, đặc biệt là sự không đồng tình của những người đang thực hiện nghiêm túc các chính sách pháp luật về thuế. Để động viên đầy đủ nguồn thu này vào NSNN, đáp ứng được nhiệm vụ chi tiêu của đất nước và mục tiêu phát triển xã hội công bằng, minh bạch… ngành Thuế không chỉ dùng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục mà còn phải đưa ra các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các thành phần không tự nguyện làm nghĩa vụ với Nhà nước.

TCTC xin nêu những Quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế mới nhất do bộ Tài chính đang dự thảo.

Thứ nhất,
về phạm vi điều chỉnh: Xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Xử lý vi phạm hành chính (không kể các vi phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ). Đối tượng áp dụng: Các cá nhân và tập thể có hành vi vi phạm hành chính về  thuế (kể cả cá nhân và cơ quan  có nhiệm vụ thực thi thuế).

Thứ hai, về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính về thuế:

+ Một hành vi vi phạm hành chính về thuế chỉ bị xử phạt một lần.

+ Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về thuế thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó.

+ Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về thuế thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

+ Cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ trường hợp xử phạt theo quy định tại Điều 13, Điều 14, khoản 2, Điều 16 Nghị định này. Hộ gia đình áp dụng mức phạt như đối với cá nhân

Cơ quan thi hành pháp luật thuế sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để ra Quyết định xử phạt.

Thứ ba,
về thời hiệu xử lý vi phạm: Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là 05 năm. Thời hạn xử lý vi phạm: Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nhưng hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, cơ quan chức năng phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thuế. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Thứ tư, về các hình thức xử phạt: Phạt cảnh cáo, phạt tiền (phạt tiền tối đa không quá 100 triệu đồng đối với người nộp thuế là cá nhân, và bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân nếu đối tượng vi phạm  là các tổ chức).

Thứ năm,
về mức xử phạt: Dự thảo nêu ra các mức xử phạt với số tiền cụ thể đối với người nộp thuế vi phạm quy định hành chính thuế (chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế; chậm thông báo thay đổi thông tin so với thời hạn quy định; khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế, nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định; vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, chấp hành quyết định kiểm tra). Mức phạt thấp nhất là: 100.000 đồng và cao nhất là; 10.000.000 đồng. Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, phải chịu mức phạt bằng 20% tính trên số tiền thuế vi phạm. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế, ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế còn phải nộp thêm 1 đến 3 lần tính trên số tiền thuế vi phạm, tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Dự thảo cũng đưa ra mức xử phạt với số tiền cụ thể đối với quan thuế, công chức thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, người bảo lãnh nộp tiền thuế và các tổ chức, cá nhân liên quan. Mức phạt thấp nhất là: 2.500.000 đồng và cao nhất là; 10.000.000 đồng. Tùy treo mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ sáu, về thẩm quyền xử phạt, thời hạn ra quyết định xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính thuế.

Thứ bẩy,
về các trường hợp bị cưỡng chế và hình thức thi hành quyết định (phong tỏa tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề...) được quy định rõ ràng trong dự thảo.

Dự thảo đã bao quát các trường hợp vi phạm, các hình thức và mức độ vi phạm hành chính thuế, đưa ra các mức xử phạt cụ thể, áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm.
Bạn đọc có thể tham khảo quy định tại:  Dự thảo.doc

Mọi ý kiến đóng góp có thể gửi về địa chỉ email: ntbien@gdt.gov.vn

Hoặc: tapchitaichinh.btc@gmail.com

Chúng tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng nghiêm cứu, xem xét trước khi ban hành Nghị định.