Hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tiếp thu ý kiến của Quốc hội (QH), Bộ Tài chính đã bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) sửa đổi để chuẩn bị trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Trong đó, đã quy định rõ các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong THTK, CLP.

Hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)
Năm 2013, 11 Tập đoàn và 88 Tổng công ty đăng ký tiết giảm chi phí với tổng số tiền 11.816 tỷ đồng. Nguồn: internet
Công khai các lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí

Trước đó, một số ý kiến cho rằng, các quy định về công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong THTK, CLP còn chung chung, do đó đề nghị quy định rõ phạm vi, nội dung, hình thức, biện pháp, thời gian công khai ở mỗi đơn vị, đối với mỗi loại công việc, đối tượng. Đồng thời bổ sung, quy định rõ hơn cơ chế, cách thức giám sát của từng đối tượng, bảo đảm quyền giám sát của công dân, xử lý thông tin phát hiện lãng phí. 

Về tính công khai, minh bạch, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như: Chương trình THTK, CLP; việc tuân thủ quy định của pháp luật về THTK, CLP; kết quả THTK, CLP; kết quả xử lý vi phạm về THTK, CLP. Đồng thời, giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai và hướng dẫn thực hiện công khai trong các lĩnh vực; quy định việc công khai quy trình, thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân.

Theo đó, công khai các hoạt động quản lý Ngân sách Nhà nước (NSNN), vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên là biện pháp để bảo đảm thực hành tiết kiệm, ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí.

Lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện công khai bao gồm: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN của các đơn vị sử dụng NSNN; các quỹ có nguồn từ NSNN; Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; Động viên vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân và tổ chức quốc tế; nợ công theo quy định tại Luật Quản lý nợ công...

Đặc biệt, kết quả thực hành tiết kiệm; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí cũng phải thực hiện công khai.

Luật cũng quy định rõ các hình thức công khai bao gồm: Phát hành ấn phẩm; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; Đưa lên trang thông tin điện tử và nhiều hình thức khác.

Công dân giám sát THTK, CLP

Tiếp thu ý kiến của QH, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân có quyền giám sát việc THTK, CLP của công dân thông qua hình thức dân chủ trực tiếp (như tố giác, khiếu nại, tố cáo) hoặc gián tiếp (như phản ánh với đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận); phát hiện và phản ánh cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi lãng phí.

Đồng thời, thống nhất với ý kiến đại biểu cho rằng, để khuyến khích, động viên công dân phát hiện và phản ánh lãng phí nên không quy định về trách nhiệm giám sát của công dân tại Luật này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Ban thanh tra nhân dân giám sát THTK, CLP theo hình thức, mức độ quy định tại Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Luật Thanh tra. 

Về phát hiện hành vi lãng phí, dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung các quy định để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin lãng phí. Quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí.

Đối với quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn các quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về THTK, CLP và quy định bắt buộc mọi cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải gắn với nội dung THTK, CLP, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, công khai kết quả thanh tra, kết quả kiểm toán phù hợp và thống nhất với các luật chuyên ngành.

7 lĩnh vực phải thực hiện THTK, CLP theo Luật hiện hành gồm: Quản lý, sử dụng kinh phí NSNN; quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng tiền, tài sản của nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí NSNN và công trình phúc lợi công cộng; trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; trong đào tạo, quản lý, sử dụng lao động, thời gian làm việc trong khu vực nhà nước; trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.