Lại “cân, đo” hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Sau gần 1 năm thực hiện Thông tư 05/2013/TT-BCT về quản lý hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất (TNTX), Bộ Công Thương đang xem xét sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tế. Cùng “gánh vác” vai trò quan trọng trong quản lý loại hình TNTX, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đóng góp những ý kiến quan trọng vào dự thảo thông tư thay thế Thông tư 05/2013/TT-BCT.

Công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng KV 3 kiểm tra hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất. Nguồn: baohaiquan.vn
Công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hải Phòng KV 3 kiểm tra hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất. Nguồn: baohaiquan.vn

Chặt đầu vào, mở đầu ra

Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong dự thảo thông tư của Bộ Công Thương là sẽ bổ sung diện mặt hàng được phép kinh doanh TNTX như: phụ phẩm, phủ tạng gia súc, gia cầm và một số hàng tiêu dùng đã qua sử dụng (ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy hút bụi, ô tô…). Tuy nhiên, việc mở rộng diện mặt hàng kinh doanh TNTX sẽ gắn với ràng buộc về số tiền đặt cọc ký quỹ của thương nhân. Bộ Công Thương sẽ nâng tiền ký quỹ, đặt cọc đối với thương nhân kinh doanh TNTX hàng thực phẩm đông lạnh từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng; nâng tiền ký quỹ, đặt cọc đối với thương nhân kinh doanh TNTX hàng có thuế Tiêu thụ đặc biệt và hàng đã qua sử dụng từ 5 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng.

Về cửa khẩu TNTX, Bộ Công Thương dự kiến quy định thương nhân kinh doanh TNTX hàng hóa chỉ được TNTX qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định, trừ trường hợp được UBND tỉnh lựa chọn để tái xuất qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ nằm ngoài khi kinh tế cửa khẩu đã công bố.

Tham gia ý kiến vào thông tư thay thế Thông tư 05/2013/TT-BCT, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đề nghị Bộ Công Thương xem xét quy định việc tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ. Việc giao quyền cho UBND tỉnh lựa chọn một số DN và mặt hàng thực hiện tái xuất qua lối mở nên xem xét lại theo hướng giao UBND chủ trì thống nhất với Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan để công bố rõ điều kiện đối với doanh nghiệp (DN) và mặt hàng kinh doanh TNTX được tái xuất qua cửa khẩu phụ nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu và lối mở nằm trong khu kinh tế cửa khẩu đã được công bố. Điều này đề đảm bảo việc thực hiện thống nhất giữa các địa phương và các DN tham gia hoạt động kinh doanh TNTX.

Cũng liên quan đến quy định về cửa khẩu tái xuất hàng hóa, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của người vận tải biển (đại lý, hãng tàu) trong những trường hợp vận chuyển vào Việt Nam những hàng hóa bị từ bỏ. Điều này xuất phát từ thực tế, trong thời gian vừa qua, khi việc tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính không thực hiện được nên lượng hàng hóa về cảng, các DN Việt Nam không đến làm thủ tục hải quan và từ chối nhận hàng.

Hàng hóa đã qua sử dụng nên có giá trị thấp; chi phí kho bãi, bốc xếp kiểm đếm và tiêu hủy hàng hóa khi xử lý hàng tồn khá cao; DN Việt Nam từ chối nhận hàng, đối tác nước ngoài từ bỏ trách nhiệm, hãng tàu không có trách nhiệm xử lý. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của người vận tải biển (đại lý, hãng tàu) trong những trường hợp vận chuyển vào Việt Nam những hàng hóa bị từ bỏ (không có người nhận, người gửi thông báo từ bỏ hoặc không hồi đáp) nhưng lại là hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép.

Cụ thể, trong trường hợp hàng hóa vận chuyển vào Việt Nam bị từ bỏ thì đại diện hãng tàu, đại lý hàng hóa, các DN kinh doanh kho bãi chịu trách nhiệm xuất trình hàng hóa và các giấy tờ liên quan cho cơ quan Hải quan kiểm tra, khám xét và tạm giữ hàng hóa (trong trường hợp hàng có dấu hiệu vi phạm) theo quy định và chịu mọi chi phí liên quan.

Bỏ quy định về kho ngoại quan

Đây cũng là vấn đề được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) góp ý chi tiết với quan điểm Bộ Công Thương không đưa các nội dung quy định liên quan đến hàng hóa gửi kho ngoại quan vào dự thảo thông tư. Thay vào đó, các nội dung liên quan đến hàng hóa gửi kho ngoại quan Bộ Tài chính sẽ có quy định cụ thể.

Thời gian qua, khi triển khai Thông tư 05/2013/TT-BCT, cơ quan Hải quan đã phát sinh vướng mắc do Bộ Công Thương đưa ra những quy định áp dụng hàng kinh doanh TNTX với hàng gửi kho ngoại quan. Theo quy định hiện nay hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan chưa thể xác định được là NK vào nội địa hay xuất đi nước thứ ba, cũng chưa thể xác định được sẽ xuất đi qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc hay đi qua các cửa khẩu khác.

Mặt khác, hàng hóa gửi kho ngoại quan có thể thuộc quyền sở hữu của chủ hàng nước ngoài và gồm nhiều chủng loại khác nhau (cả hàng hóa được quy định tại Chỉ thị 23/CT-TTg và hàng hóa thông thường khác) nên việc quy định về điều kiện cấp mã số kinh doanh đối với kho ngoại quan và DN có hàng hóa gửi kho ngoại quan như quy định tại Thông tư 05 hiện nay là không phù hợp.

Trong khi đó, tại Luật Thương mại năm 2005; Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng không có quy định về loại hình kho ngoại quan; Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ không đưa ra các điều kiện đối với hoạt động kho ngoại quan.

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và giảm áp lực, tạo tính chủ động cho cơ quan Hải quan trong việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và quy định của các bộ, ngành cũng như đảm bảo việc phối hợp trong công tác quản lý, Bộ Tài chính đề nghị không quy định các điều kiện về cấp mã số kinh doanh đối với kho ngoại quan, hàng hóa gửi kho ngoại quan cũng như không đưa ra những quy định áp dụng chung cho hàng kinh doanh TNTX và gửi kho ngoại quan. Vì đây là hai loại hình khác nhau.