Lo cân đối

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đưa ra nhiều thay đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), song thuế suất của mặt hàng ô tô lại không được Bộ Tài chính cân nhắc giảm để tăng sức mua như kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nước ngoài. Cơ quan hoạch định chính sách có những lý do chính đáng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo lý của các DN này, với nhu cầu sử dụng ô tô tại Việt Nam ngày càng lớn, việc giảm thuế để giá ô tô thấp đi là một động thái hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Lý là vậy, song với những người làm chính sách vẫn còn một nỗi lo lớn hơn đó là “đảm bảo cân đối”!

Một trong những mục tiêu của việc thu thuế TTĐB là bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trên cơ sở động viên hợp lý đối với một số mặt hàng. Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn thực hiện các cam kết quốc tế với quy mô và mức độ ngày càng sâu rộng. Vai trò bảo vệ nền kinh tế của thuế nhập khẩu (NK) theo đó ngày càng bị hạn chế bởi lộ trình giảm dần hàng rào thuế quan. Cùng với thuế NK, các sắc thuế trực thu khác như thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập DN đều đã được sửa đổi theo hướng giảm dần. Trước bối cảnh đó, việc đảm bảo các khoản thuế gián thu như thuế TTĐB là cần thiết để cân đối ngân sách; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là giải pháp mà nhiều nhà kinh tế trên toàn thế giới đang áp dụng chứ không riêng Việt Nam.

Xét trên một khía cạnh khác, ô tô thuộc nhóm hàng hóa cần hướng dẫn sản xuất và định hướng tiêu dùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Cuối năm 2013,  Chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã định hình với mục tiêu phát triển theo chiều sâu, trong đó các chính sách khuyến khích công nghiệp phụ trợ và sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô cũng được tập trung phát triển.

Nhắc tới vấn đề này trong một lần hội đàm với các DN Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng: Việc phát triển công nghiệp ô tô để đáp ứng nhu cầu người dân là cần thiết, song, không thể không tính đến sự tương xứng với cơ sở hạ tầng hiện nay. Khi các vấn đề về giao thông vẫn còn tồn tại thì các biện pháp hạn chế sử dụng ô tô, trong đó có công cụ thuế TTĐB vẫn sẽ được cân nhắc.

Xét đến cùng, việc cắt giảm thuế NK ô tô nguyên chiếc cũng như linh phụ kiện phục vụ sản xuất đã đủ tác động để giảm giá bán, tăng sức mua như DN và người dân mong muốn mà không nhất thiết phải điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng này.