Loại bỏ nhà đầu tư “tay không bắt giặc” trong các dự án PPP

PV.

Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018 (thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng sẽ tháo những “nút thắt” trong các dự án hợp tác công – tư (PPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khơi thêm nguồn vốn tham gia dự án PPP

Tháo gỡ đầu tiên đó là về quy định liên quan đến phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án chỉ bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hiện hành hạn chế sự tham gia từ các nguồn vốn đầu tư công hợp pháp khác (nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập...).

Vì vậy, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP) quy định, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, vốn góp của Nhà nước (để hỗ trợ xây dựng công trình) được bổ sung từ nguồn là giá trị tài sản công, quyền khai thác tài sản công, đảm bảo theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội thông qua.

Riêng vốn góp được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không được áp dụng hỗ trợ cho loại hợp đồng BT (Hợp đồng xây dựng – chuyển giao).

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, vốn thanh toán cho nhà đầu tư (để Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BTL (Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ ), BLT (Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao ) được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Loại bỏ tình trạng “tay không bắt giặc”

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân hàng đang đổ vào các dự án BOT (Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) rất lớn, chiếm 85-90% tổng đầu tư. Như vậy, mặc dù tham gia với tư cách nhà đầu tư nhưng thực chất, họ chỉ có nguồn vốn tự có rất khiêm tốn. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đơn vị nào khá thì tỷ lệ vốn tự có trên dự án là 15%, còn lại phần lớn chỉ 10-11%.

Để khắc phục tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, năng lực tài chính không đảm bảo, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư. Cụ thể, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư (quy định hiện hành là 15%).

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Như vậy, với các quy định mới từ Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, các nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công tư nói chung, hình thức BOT nói riêng sẽ phải bỏ “tiền tươi thóc thật” vào dự án, những nhà đầu tư làm dự án kiểu “tay không bắt giặc” như thời gian qua sẽ bị loại bỏ.