Luật cần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trao đổi với phóng viên về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo luật cần hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN).

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư. Nguồn: internet
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư. Nguồn: internet

Phóng viên: Ông có tán thành với quan điểm và mục đích sửa đổi Luật Hải quan không, thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: Luật Hải quan được Quốc hội thông qua từ cuối năm 2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2005, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh phát triển, bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đang gia nhập WTO cũng như đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), do đó Luật Hải quan cần có những quy định phù hợp với tiến trình hội nhập này và yêu cầu sửa Luật là cần thiết.

Vậy theo quan điểm của ông, Luật Hải quan (sửa đổi) cần đáp ứng yêu cầu gì?

Với Luật Hải quan (sửa đổi), cử tri quan tâm nhiều nhất là làm sao cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục hải quan, đặc biệt là áp dụng thông quan điện tử, đảm bảo thuận lợi tối đa cho khách hàng DN, khách làm thủ tục xuất nhập cảnh. Bên cạnh Luật Hải quan đang trình Quốc hội sửa đổi còn có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế vừa có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 đã tạo điều kiện tốt cho các đối tượng tham gia xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, từ thực tiễn đang nổi lên một số vấn đề cần được quy định trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Về mặt quản lý thuế đang có tình trạng trốn lậu thuế lớn do các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của quy định pháp luật đã khai man, chiếm dụng thuế. Thực trạng này cần được bổ sung, chấn chỉnh trong dịp sửa Luật Hải quan lần này.

Trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, ngành Tài chính đã thực hiện cơ chế quản lý thuế theo cách tự khai tự nộp là rất phù hợp nhưng trong thời gian qua có một số trường hợp lợi dụng cơ chế thông thoáng này để trục lợi, do đó cần tăng cường hậu kiểm và ngành Hải quan cần thông qua hệ thống dữ liệu để đánh giá, sàng lọc và có biện pháp kiểm soát đối với đối tượng có hành vi trốn lậu thuế hoặc có nghi vấn để tăng cường kiểm tra.

Cử tri cũng phản ánh thời gian thông quan ở một số cửa khẩu còn chậm so với các nước. Vấn đề chậm thông quan cũng được hiểu là do yêu cầu về thủ tục hành chính, yêu cầu về kỹ thuật nhưng điều này cũng cần được quy định trong dự luật sao cho đáp ứng yêu cầu cải cách cao nhất, đặc biệt là trong thông quan điện tử.

Khi bàn về vấn đề công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng về kiểm tra chuyên ngành (như kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm…) nhằm thực hiện chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, có đề xuất rằng cần thành lập Tổ liên ngành để thực hiện tốt công tác phối hợp. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Theo tôi, trong việc thực hiện công tác phối hợp liên ngành theo cơ chế một cửa quốc gia, ngành Hải quan cần thực hiện là một lực lượng nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành khác như trong dự thảo nhằm làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và để tránh dẫn đến tình trạng chồng chéo.

Vậy theo ông, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) còn cần bổ sung gì để hoàn chỉnh?

Dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về hệ thống hải quan, tổ chức hải quan cũng như về đội ngũ cán bộ công chức hướng tới mục tiêu củng cố, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức hải quan, từ đó nâng cao vị thế của ngành Hải quan.

Xin cảm ơn ông!