Muốn nhưng… đành chịu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dù rất muốn xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu nhưng một số ngân hàng hiện cũng đành chịu vì tài sản bảo đảm nợ vay chủ yếu là bất động sản trong khi thị trường bất động sản chưa biết khi nào tan băng. Ngay cả khi ngân hàng và người vay hết đường thỏa thuận và đành phải ra tòa thì tình hình cũng không khá hơn.

Muốn nhưng… đành chịu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 6, tổng giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 81.640 tỷ đồng. Con số này gấp 1,5 lần so với tổng nợ xấu (nợ quá hạn từ 90 ngày trở lên) của các tổ chức tín dụng vào cuối tháng 6 là 52.300 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý của 10 ngân hàng vừa được công bố cũng cho thấy nợ xấu vẫn tăng mạnh. Xét về tỷ lệ và tính đến 30.6, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) có nợ xấu cao nhất với 9%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý I và tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2012.  Tiếp đó là Ngân hàng Nam Việt (Navibank) 6%, tăng 1,75 điểm phần trăm so với quý I và 2,13 điểm phần trăm so với cuối năm trước. Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đứng ở vị trí thứ 3 với tỷ lệ nợ xấu 5,2%.

Phần lớn nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay có tài sản bảo đảm là bất động sản. Việc thị trường bất động sản đóng băng trong vài năm trở lại đây khiến cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp khó khăn. Hiện tại, rất phổ biến tình trạng các ngân hàng rao bán bất động sản được phát mãi để thu hồi nợ nhưng trong một thời gian dài vẫn không có người mua. Ngay cả khi bất động sản được rao bán thấp hơn so với giá thị trường cũng không có khách mua. 

Mỗi ngân hàng có quy trình xử lý nợ xấu riêng, song đều phải làm tất cả các bước thỏa thuận với khách hàng về việc xử lý tài sản bảo đảm trước và cuối cùng mới nhờ đến pháp luật nếu hai bên không thỏa thuận được giá bán tài sản. Nhưng không phải ra tòa là xong! Dù có đưa sự việc lên tòa án thì hai bên cũng phải mất thời gian hòa giải trước, mà nếu khách hàng không có thiện chí, cứ hứa bán rồi không thực hiện thì cũng sẽ kéo dài thời gian xử lý tài sản.

Thực tế này một lần nữa được chỉ rõ tại Hội nghị bàn biện pháp xử lý nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án do NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng vừa tổ chức. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng, nợ xấu trên địa bàn đến tháng 6/2013 là 1.816 tỷ đồng, giảm 15,22% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ lệ 3,52% trên tổng dư nợ. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nợ xấu... Để giải quyết nợ xấu, do không đạt được thỏa thuận với khách hàng, một số tổ chức tín dụng đã phải khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực, việc xử lý nợ xấu vẫn rất khó, do những vướng mắc, thủ tục rườm rà hoặc thi hành án theo kiểu cầm chừng. Hiện, có 233 hồ sơ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ở TP Đà Nẵng liên quan đến thi hành án, với dư nợ gần 374 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng tại TP. Đà Nẵng có đến 219 hồ sơ với dư nợ khoảng 328 tỷ đồng... Trường hợp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chi nhánh TP Đà Nẵng là một ví dụ. Theo đó, Công ty Tư vấn và Đầu tư xây dựng Phước Sang, có trụ sở ở đường Lê Duẩn (TP. Đà Nẵng) vay VPBank Đà Nẵng 14,5 tỷ đồng, tài sản bảo đảm 23,5 tỷ đồng. Sau đó, doanh nghiệp này cố tình chây ỳ, không trả nợ, buộc ngân hàng phải tiến hành thủ tục khởi kiện ra tòa. Ngày 23/9/2011, bản án có hiệu lực pháp luật. Ngày 12/1/2012 cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, từ đó đến nay VPBank Đà Nẵng vẫn phải năm lần, bảy lượt… đi đòi nợ.

Ngoài những bất cập do yếu tố chủ quan, việc xử lý nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án còn nhiều khó khăn, đặc biệt khi khách hàng là doanh nghiệp, báo cáo của NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng cho biết. Theo luật định, đối với những doanh nghiệp bị ngân hàng khởi kiện và có quyết định thi hành án, nếu trong quá trình thi hành án, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, buộc tòa án tuyên bố mở thủ tục phá sản, thì khi đó, việc xử lý nợ phải thực hiện theo thủ tục phá sản. Theo hướng này, thời gian xử lý kéo dài từ 3 - 4 năm, qua nhiều khâu như: mở thủ tục phá sản, thành lập tổ thanh lý tài sản, thực hiện thanh lý tài sản... Ngoài ra, còn có những khoản vay liên quan đến nhiều tổ chức tín dụng, tài sản chưa được xác minh, tài sản đang tranh chấp, phát mãi, tài sản bảo đảm ở tổ chức tín dụng khác chưa được xử lý… dẫn đến việc thi hành án chậm trễ. Phía cơ quan thi hành án của TP Đà Nẵng cho rằng, công tác thi hành án dân sự, đặc biệt khi liên quan đến nợ xấu rất phức tạp, đa số chỉ xử lý ở cấp quận, huyện. Nhiều khoản nợ, tài sản bảo đảm bằng bất động sản nên khi thị trường đóng băng, rất khó đấu giá, thanh lý tài sản…