Sửa Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt: Hướng tới tiêu dùng lành mạnh

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Ngay sau khi Bộ Tài chính công khai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Những ý kiến này, Ban soạn thảo đã, đang và sẽ tổng hợp để đưa ra những giải trình xác đáng.

Nước ngọt có gas nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức có thể gây ra một số tác hại đến sức khỏe con người. Nguồn: internet
Nước ngọt có gas nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức có thể gây ra một số tác hại đến sức khỏe con người. Nguồn: internet

Đảm bảo cân đối ngân sách

Tổng kết 5 năm thực hiện Luật thuế TTĐB , Bộ Tài chính đánh giá, Luật cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, thuế TTĐB góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế. Thuế TTĐB còn góp phần ổn định và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với tỷ trọng thu ngân sách từ thuế TTĐB trong tổng thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí luôn ổn định trong những năm qua (chiếm khoảng 11-12% tổng thu ngân sách nội địa).

Nhìn từ khía cạnh cân đối ngân sách, xu hướng chung của các nước hiện nay là tăng cường vai trò của thuế tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng, thuế TTĐB, đồng thời từng bước giảm dần thuế suất thuế thu nhập để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, khuyến khích lao động.

Theo đó, để phát huy vai trò bảo đảm công bằng xã hội của công cụ thuế trong bối cảnh giảm động viên thuế thu nhập, các nước có xu hướng cải cách  tăng thuế suất thuế TTĐB và mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB đối với nhóm hàng hóa xa xỉ. Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa hạn chế tiêu dùng hầu hết các nước, như các nước phát triển thuộc OECD, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, nhiều nước châu Phi và châu Á, đều có xu hướng điều chỉnh tăng thuế suất đối với 3 nhóm hàng hóa là: các sản phẩm thuốc lá; các sản phẩm đồ uống có cồn; các sản phẩm dầu mỏ.

Chia sẻ quan điểm này tại cuộc hội đàm giữa Bộ Tài chính với các doanh nghiệp Hoa Kỳ chiều ngày 24-2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng, ngoài mục đích định hướng tiêu dùng, hạn chế các mặt hàng có hại cho sức khỏe người dân, việc thu thuế TTĐB cũng hướng tới mục tiêu bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trên cơ sở động viên hợp lý đối với một số mặt hàng. Đây là giải pháp mà nhiều nhà kinh tế trên toàn thế giới đang áp dụng chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Với lý giải này, có thể thấy, việc sớm điều chỉnh Luật Thuế TTĐB là hết sức cần thiết.

Vì sao áp thuế nước ngọt có ga không cồn?

Một trong những nội dung đưa ra trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB mới được công bố đang nhận được nhiều "phản pháo" nhất chính là việc bổ sung nước ngọt có gas không cồn vào diện chịu thuế với thuế suất 10%. Song, những nhà làm Luật không phải không có lý. Cái lý của Bộ Tài chính đưa ra khi đề nghị áp thuế nước ngọt có gas không cồn phần lớn là để bảo vệ sức khỏe người dân, hướng tới tiêu dùng lành mạnh.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù những chất công nghiệp trong nước ngọt có gas có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép nhưng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức có thể gây ra một số tác hại đến sức khỏe con người như béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gout và tăng nguy cơ bị ung thư.

Bộ Tài chính dẫn chứng một nghiên cứu được tiến hành bởi Trung tâm Khoa học Y tế - Đại học Texas về mối liên hệ giữa việc thường xuyên tiêu thụ nước ngọt có ga với kích thước vòng eo. Kết quả là những người uống nhiều nước ngọt có gas sẽ có vòng eo lớn hơn những người khác ít uống hoặc không uống. Một dẫn chứng khác được công bố trên tờ Tạp chí Dinh Dưỡng Lâm Sàng của Mỹ do các nhà khoa học Thụy Điển tiến hành.

Khi theo dõi sức khỏe của hơn 8.000 đàn ông tuổi từ 45 đến 73 trong khoảng thời gian 15 năm, các nhà khoa học này đã đi đến kết luận là trong nước ngọt có ga tiềm ẩn chất gây ung thư như methylmadizole và đường trong thức uống giải phóng ra insulin- là chất nuôi dưỡng các khối u. Ông Isabel Drake- một nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển) cũng cho biết trong số những người uống nhiều nước có ga, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên 40% so với bình thường.

Hơn thế, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bên cạnh giải pháp như tuyên truyền ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng quá mức mặt hàng này, nhiều nước đã sử dụng công cụ thuế TTĐB và một số nước khác cũng đang đề xuất đánh thuế TTĐB đối với loại đồ uống này. Có thể thống kê: Hầu hết các nước châu Âu (Anh, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Ireland…); các nước châu Á (Thái Lan , Campuchia, Lào, Malaysia); một số bang của Hoa Kỳ (Arkansas, Tennessee, Virginia và Tây Virginia) đều đang thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas không cồn.

Đặc biệt, dựa theo tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít, việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và giá thành sản phẩm (dự kiến thu khoảng gần 2.000 đồng/lít).