Tăng cường quản lý chống vi phạm lợi dụng hải quan điện tử

PV.

(Tài chính) Gần 10 năm qua, thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) đã tạo sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, góp phần quan trọng rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, phù hợp với chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của TTHQĐT, không ít DN đã tìm cách gian lận thương mại, trốn thuế...

 Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 kiểm tra hóa chất NK. Nguồn: baohaiquan.vn
Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 kiểm tra hóa chất NK. Nguồn: baohaiquan.vn

“Nhận diện” những thủ đoạn tinh vi

Trong thời gian qua, với việc nhanh chóng chuyển đổi thành công từ thực hiện thí điểm sang thực hiện chính thức (chính thức từ ngày 1/1/2013), TTHQĐT đã đóng góp một phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy môi trường đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thông thoáng cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua công tác rà soát, đánh giá quy trình TTHQĐT cho thấy một số tồn tại, hạn chế có ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhận định này cũng đã được nhiều cục hải quan địa phương phản ánh. Chẳng hạn, năm 2013, thông qua việc áp dụng tiêu chí quản lí rủi ro để phân luồng trong thực hiện TTHQĐT, Hải quan Hải Phòng đã phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm của các DN, trong đó: Đối với tiêu chí phân luồng cấp Tổng cục kết quả phát hiện cụ thể 2.263 vụ; còn đối với tiêu chí cấp Cục và chi cục, phát hiện 1.929 vụ. Đặc biệt, thông qua quá trình xây dựng, phân tích thông tin, Hải quan Hải Phòng còn chuyển luồng nhiều trường hợp có dấu hiệu nghi vấn gian lận và kết quả kiểm tra thực tế sau đó cũng đã phát hiện được hàng trăm trường hợp vi phạm.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN cũng đã lợi dụng sự thông thoáng trong quy định về TTHQĐT để xuất khống hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại… Năm 2013, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và lập biên bản vi phạm trên 6.400 vụ, trị giá hàng vi phạm trên 611 tỉ đồng. Trong đó, có 367 vụ buôn lậu và gian lận thương mại; 20 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ trên 85 kg ma túy  và trên 2.000 viên ma túy tổng hợp, 525 vụ nhập khẩu tân dược hướng thần qua đường bưu điện; 14 vụ vận chuyển vũ khí, công vụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng, thu giữ 300 khẩu súng hơi, 7 súng ngắn. Đối với các tờ khai miễn kiểm tra, DN thường thực hiện việc xuất khống hàng hóa để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng trong nội địa, đặc biệt là việc xuất lậu vàng, ngoại tệ, hàng cấm... Ngoài ra, một số DN còn làm dịch vụ đăng ký mẫu tờ khai HQĐT nhưng không trực tiếp giao nhận, vận chuyển hàng hóa, không chịu trách nhiệm về hàng hóa xuất khẩu, trong đó vụ lô hàng lớn chứa 229kg heroin lọt qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua là một minh chứng điển hình.

Theo phản ánh của Cục Hải quan Hải Phòng, trường hợp gian lận qua giá, DN thường khai giá thấp; khai sai chất liệu, thành phần, phẩm cấp hàng hóa để giảm trị giá tính thuế. Nhiều DN còn cố tình “nhập nhèm” khi khai báo không rõ năm sản xuất (model) của hàng hóa nhập khẩu khiến cơ quan Hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thông tin xác định trị giá tính thuế… Trong khi đó, theo Cục Hải quan Đồng Nai, lợi dụng việc truyền và xử lý dữ liệu không đồng bộ giữa các đơn vị Hải quan hoặc giữa các bộ phận trong một đơn vị, một số DN còn tìm cách làm giả tờ khai, con dấu, chữ ký của Hải quan để vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan. Ngoài ra, một số DN còn kết xuất dữ liệu điện tử để in tờ khai xuất trình với cơ quan Hải quan với các chi tiết hàng hóa nhập khẩu được chỉnh sửa khác với hệ thống nhằm gian lận, trốn thuế, né tránh sự quản lý chuyên ngành... Ngoài ra, DN có thể lợi dụng kẽ hở trong quá trình tổ chức thực hiện TTHQĐT khi hệ thống tự động phân luồng theo quản lý rủi ro để hủy tờ khai hoặc phát sinh hành vi "tự ý phá niêm phong hải quan" đối với các trường hợp phải kiểm tra thực tế…

Tăng cường chống tình trạng lợi dụng hải quan điện tử

Trong thời gian qua, một số cục hải quan cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn gian lận trong thực hiện TTHQĐT. Cách đây không lâu, Hải quan Hải Phòng đề nghị quy định về TTHQĐT và thủ công (còn một số ít loại hình vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công-PV) phải đảm bảo tính thống nhất; hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin theo mô hình xử lí tập trung cấp Tổng cục, cấp Cục; thiết lập công cụ để phát hiện, cảnh báo nhằm hạn chế tình trạng DN khai nhiều tờ khai cho 1 lô hàng ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng chữ kí số; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng làm thủ tục như các chi cục, lực lượng kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan…

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản số 6617/UBND-TM gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về các giải pháp chống hành vi lợi dụng TTHQĐT để buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, để hạn chế tình trạng DN lợi dụng sự thông thoáng trong TTHQĐT, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 87/2012/NĐ-CP về tự động phân luồng tờ khai, đối với tờ khai xuất khẩu đề nghị phải tập kết hàng đầy đủ tại địa điểm kiểm tra của cơ quan Hải quan, sau đó cơ quan Hải quan mới thực hiện việc phân luồng tờ khai và thông báo cho DN. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan Hải quan, Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đội Biên phòng, cơ quan quản lý cảng biển, hàng không, An ninh hàng không… phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát chống buôn lậu qua cửa khẩu, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin quản lý và kết nối mạng giữa các đơn vị này và coi đây là trách nhiệm chung phải thực hiện của cả hệ thống chính trị nhằm tăng cường quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu và tăng cường hiệu quả quản lý. UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Tài chính cần hoàn thiện hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro để phục vụ cho hệ thống tự động kiểm tra, tiếp nhận, đăng ký tờ khai và phân luồng; ưu tiên cung cấp trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu quản lý cho ngành Hải quan...

Trước tình hình đó, nhằm tăng cường quản lý chống vi phạm lợi dụng HQĐT ngày 11/02/2014 Bộ Tài chính đã có công văn số 1767/BTC-TCHQ gửi Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, trong đó hướng dẫn một số nội dung về việc khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng được miễn kiểm tra thực tế theo quy định của pháp luật khi chuyển cửa khẩu. Theo đó, người khai hải quan khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu sau khi tập kết hàng hóa xuất khẩu tại các địa điểm theo quy định và thông báo thời gian dự kiến đóng container, xếp hàng lên phương tiện vận tải cho cơ quan hải quan. Địa điểm tập kết hàng hóa gồm: Khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế; Kho ngoại quan; Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu tại biên giới; Kho, bãi tập kết hàng hóa xuất khẩu của DN được cơ quan hải quan công nhận đủ điều kiện giám sát hải quan (Kho, bãi tập kết phải có tường rào ngăn cách, có cổng, cửa để khóa, niêm phong và có camera theo dõi). Việc khai địa điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu được ghi trên tờ khai hải quan xuất khẩu và áp dụng đối với các tờ khai phát sinh từ ngày 01/04/2014.

Đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn kiểm tra hàng hóa thực tế khi chuyển cửa khẩu được tập kết tại các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan như: Khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế; Kho ngoại quan; Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu tại biên giới thì lập biên bản bàn giao hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu, Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu đối chiếu số hiệu container, số phương tiện vận tải và tình trạng bên ngoài của phương tiện chứa hàng để lập biên bản bàn giao. Trong khi đó, đối với hàng hóa xuất khẩu tập kết tại kho, bãi của DN thì DN tự chịu trách nhiệm đưa hàng hóa đến cửa khẩu để xuất trình cho Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.

Khi tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu miễn kiểm tra hàng hóa thực tế chuyển đến, Chi cục Hải quan thực hiện việc đối chiếu số hiệu container, số hiệu phương tiện vận tải với các nội dung trong hồ sơ hải quan, Biên bản bàn giao hàng hóa (nếu có) do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến và thực hiện giám sát hàng hóa cho đến khi xuất hết theo đúng quy định.

Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thực hiện TTHQĐT vẫn còn gặp một số hạn chế do quy định của quy trình thủ tục hải quan chưa chặt chẽ, sự phối hợp chưa hiệu quả trong và ngoài ngành, nguồn nhân lực chuyên sâu thiếu… Do vậy, nhiều ý kiến đều cho rằng, quy định mới này của Bộ Tài chính sẽ góp phần đảm bảo việc thực hiện TTHQĐT được nhanh chóng nhưng đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng DN lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế hoặc thực hiện các hành vi vi phạm khác.

Theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015 mục tiêu mà Chính phủ và Bộ Tài chính đặt ra, đến năm 2015, 100% các Cục Hải quan, 100% các Chi cục Hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60% DN thực hiện TTHQĐT. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho biết, kết thúc năm 2013, TTHQĐT đã được thực hiện với hầu hết các loại hình xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện qua TTHQĐT đạt 239,13 tỉ USD, chiếm 95,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn quốc. Số lượng DN tham gia thực hiện TTHQĐT là 49.241 DN, chiếm 95,84% số lượng DN thực hiện thủ tục hải quan trên toàn quốc. Tổng số đơn vị Hải quan đã thực hiện TTHQĐT là 34/34 Cục Hải quan với 148/170 Chi cục. Như vậy, tất cả chỉ tiêu quan trọng mà Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra cho năm 2015 đều được Tổng cục Hải quan hoàn thành sớm và vượt khá xa mục tiêu. Với việc được áp dụng TTHQĐT đồng bộ trên cả nước thì từ 1/4/2014, hoạt động này sẽ được nâng tầm thông qua việc áp dụng Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.