Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu bằng quản lý rủi ro

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Được xem là một công cụ hữu hiệu cho quản lý hải quan hiện đại, quản lý rủi ro sẽ giúp cho cơ quan Hải quan của các nước có thể phân bổ nguồn lực một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo quản lý hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu... Vì vậy, tại Điều 16 và 17 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã bổ sung quy định về nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan...

 Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu bằng quản lý rủi ro
Quản lý rủi ro được xem là một công cụ hữu hiệu cho quản lý hải quan hiện đại. Nguồn: baohaiquan.vn

Theo phân tích của ban soạn thảo Luật Hải quan sửa đổi, Luật Hải quan hiện hành chưa đề cập đến thuật ngữ “quản lý rủi ro”, chỉ duy nhất Khoản 1a Điều 15 Luật Hải quan đã quy định nội dung của thuật ngữ này. Tuy nhiên, tại các Điều 28, 29, 30 Luật Hải quan quy định cụ thể các trường hợp kiểm tra hải quan, miễn kiểm tra hải quan đã khiến cho việc lựa chọn đối tượng kiểm tra trở nên cứng nhắc, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro.

Hiện nay, quản lý rủi ro được xem là một công cụ hữu hiệu cho quản lý hải quan hiện đại, giúp cho cơ quan Hải quan của các nước có thể phân bổ nguồn lực một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo quản lý hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động quản lý rủi ro. Trong điều kiện thông quan tự động, quản lý rủi ro là cơ sở quan trọng để bảo đảm việc kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan được thực hiện hiệu quả, phù hợp với thông lệ hải quan quốc tế. Công ước Kyoto sửa đổi tại các Chuẩn mực từ 6.3 đến 6.5 quy định cụ thể về áp dụng quản lý rủi ro.

Theo ban soạn thảo Luật Hải quan sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế cũng đã bổ sung quy định về quản lý rủi ro, tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế và Luật Hải quan không hoàn toàn giống nhau. Do đó, dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã bổ sung nội dung này đảm bảo tương thích với Luật Quản lý thuế và để đảm bảo áp dụng quản lý rủi ro một cách đầy đủ, có hiệu quả, phù hợp với các Chuẩn mực nêu trên của Công ước Kyoto sửa đổi.

Hiện, vấn đề quản lý rủi ro là vấn đề kĩ thuật không chỉ áp dụng trong lĩnh vực hải  quan mà trong nhiều lĩnh vực quản lý khác, kể cả trong các hoạt động của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên đặc thù quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan khác với các lĩnh  vực khác. Quản lý rủi ro trong hải quan được thực hiện trên cơ sở tất cả các nguồn thông tin thu thập được trong và ngoài nước để  đánh  giá  tính tuân  thủ của DN, từ đó quyết  định việc kiểm tra hoặc không kiểm tra cũng như việc áp dụng hoặc không áp dụng các nghiệp vụ hải quan khác. Việc áp dụng quản lý rủi ro với mục đích cơ bản là tạo thuận lợi hơn cho quản lý rủi ro.

Do đó việc kiểm tra sẽ được tập trung ở những vùng miền, đối với những lô hàng của các DN có nguy cơ rủi ro  cao  hơn về độ không tuân thủ pháp luật hải quan.Theo thống kê hiện nay, hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan là khoảng 15-18%. Khi thực hiện áp dụng quản lý rủi ro theo Luật Hải quan mới, hoạt động kiểm tra sẽ ở mức khoảng 10-15%, theo hướng giảm hoạt động kiểm tra ở khâu thông quan và  tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan.

Theo đó, tại Điều 16 về Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan quy định:

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; vận chuyển đúng tuyến đường, qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

3. Hàng hoá được thông quan, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.

4. Thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện và theo đúng quy định của pháp luật.

5. Việc bố trí nhân lực, thời gian làm việc phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Và Điều 17 về Quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan quy định:

1. Cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hỗ trợ các hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

2. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan bao gồm: Thu thập, xử lý thông tin hải quan; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; đánh giá rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để đề xuất áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan Hải quan quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để tự động tích hợp, xử lý dữ liệu phục vụ việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Theo phân tích của ban soạn thảo, các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ quan Hải quan tập trung lực lượng ở những nơi có rủi ro cao, giảm lực lượng ở những nơi có rủi ro thấp, khắc phục tình trạng gian lận, góp phần đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên cơ sở phương pháp quản lý hải quan hiện đại.

Góp ý cho nội dung này, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, quản lý rủi ro là một chính sách quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng tới các DN. Vì vậy, dự thảo Luật cần phải làm rõ cách thức tiến hành hoạt động quản lý rủi ro.

Đồng tình với ý kiến trên, theo đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham), nguyên tắc quản lý rủi ro nên được quy định cụ thể trong Luật, với việc để dành quy định này cho Bộ Tài chính hướng dẫn như quy định trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến sự lúng túng cho DN khi phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để đáp ứng yêu cầu quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan.