Cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014:

Tập trung ổn định nguồn lực thực hiện chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước


(Tài chính) Quán triệt quan điểm chỉ đạo sắp xếp bộ máy tinh gọn, rà soát và đổi mới các quy trình nghiệp vụ theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới cơ bản cơ chế quản lý, sử dụng lao động, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng biên chế tuân thủ các quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính để bố trí, sử dụng tiết kiệm biên chế nhưng đảm bảo hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

KBNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý. Nguồn: internet
KBNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý. Nguồn: internet

Về thực hiện cơ chế quản lý Tài chính giai đoạn 2009 -2013: KBNN đã tổ chức triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm chống lãng phí; sử dụng kinh phí chủ động, có hiệu quả đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

Trên cơ sở toàn hệ thống tăng cường điều hành và quản lý kinh phí, nguồn thu từ kết quả hoạt động sự nghiệp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho phép giữ lại, KBNN đã đảm bảo kinh phí để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN với nhiệm vụ chủ yếu là: Tăng cường cơ sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến để thực hiện hiện đại hoá KBNN, phát triển nguồn nhân lực, từng bước cải thiện đời sống cán bộ công chức (CBCC). Kết quả thực hiện cụ thể như sau:

Đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động của hệ thống KBNN: Giai đoạn 2009 – 2013, NSNN đã cấp đảm bảo để KBNN chi một lần tiền lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo lương theo cơ chế tài chính quy định, đồng thời KBNN đã chủ động khai thác nguồn thu theo quy định của pháp luật và tăng cường các biện pháp quản lý kinh phí, chi tiêu tiết kiệm, có hiệu quả, theo đó đã đảm bảo cân đối nguồn kinh phí, chi tiêu tiết kiệm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.

Tập trung hiện đại hoá hoạt động KBNN: KBNN đã thực hiện thành công mục tiêu của giai đoạn 2009 - 2013 là tập trung xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách - kho bạc (TABMIS), hiện đại hoá quy trình quản lý thu chi ngân sách, quy trình quản lý tiền mặt, quản lý các quỹ do KBNN quản lý và các ứng dụng khác theo hướng tập trung, trực tuyến và tích hợp với TABMIS; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin KBNN hiện đại, đáp ứng các yêu cầu triển khai ứng dụng tập trung, các ứng dụng xử lý trực tuyến.

KBNN đã phát triển các ứng dụng để kết nối, giao diện với hệ thống TABMIS gồm: Hệ thống thu ngân sách nhà nước tập trung (TCS); hệ thống thanh toán bù trừ, thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại; triển khai hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc; KBNN phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng giao diện giữa Hệ thống quản lý danh mục dung chung và Hệ thống kho dữ liệu thu chi NSNN với hệ thống TABMIS.

Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của KBNN: Trên cơ sở quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của hệ thống và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, KBNN đã triển khai công tác đầu tư xây dựng, cải tạo mở rộng, nâng cấp các kho tiền, trụ sở đảm bảo qui mô tiêu chuẩn gắn liền với trang thiết bị theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của KBNN đã được Chính phủ, Bộ Tài chính giao.

Giai đoạn 2009 -2013, KBNN đã thực hiện đầu tư 207 công trình, với tổng mức đầu tư là 3246 tỷ đồng, qui mô đầu tư là 232.385m2 sàn, đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 142 công trình trụ sở KBNN các cấp với giá trị tài sản tăng thêm 2.320 tỷ đồng, tương ứng với 141.000m2 sử dụng. Số dự án dở dang chuyển tiếp sang giai đoạn sau là 65 công trình, với nhu cầu vốn khoảng 927 tỷ đồng. Các công trình đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc cho CBCC của hệ thống KBNN, các công trình được đầu tư đồng bộ với việc lắp đặt các trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn đã góp phần đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá KBNN giai đoạn tiếp theo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: KBNN đã tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, công nghệ thông tin, kiến thức quản lý nhà nước, ngoại ngữ cho CBCC trong toàn hệ thống, đáp ứng nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực phù hợp với xu hướng phát triển của KBNN; kinh phí dành cho đào tạo năm sau được tập trung nhiều hơn năm trước, trong giao đoạn 2002 – 2013, KBNN đã tổ chức được 521 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 38.082 lượt cán bộ tham dự, trong đó bình quân năm của giai đoạn 2009 -2013 là 47 lớp, với 4.092 lượt cán bộ tham dự. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, trình độ CBCC KBNN không ngừng được nâng cao; đồng thời KBNN từng bước cơ cấu, sắp xếp lực lượng lao động phù hợp với từng giai đoạn phát triển đảm bảo tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả chỉ tiêu biên chế được giao.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí: KBNN đã thực hiện quản lý tài chính theo đúng quy định của Luật NSNN, chi tiêu đúng định mức tiêu chuẩn của Nhà nước và Bộ Tài chính ban hành. Quán triệt và thực hiện chủ trương tiết kiệm tới từng CBCC, phòng ban, KBNN các cấp. KBNN đã chủ động phân phối tiền lương, tiền công theo kết quả chất lượng hoàn thành công việc của từng CBCC, viên chức và người lao động theo nguyên tắc công bằng, hợp lý, gắn tiền lương với hiệu quả công việc. Triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính đã thúc đẩy phong trào thi đua của các KBNN, động viên CBCC, viên chức khắc phục khó khăn, hăng say làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình triển khai cơ chế quản lý tài chính và biên chế giai đoạn 2009 -2013 đã gặp những thuận lợi: Cơ chế quản lý tài chính và biên chế giai đoạn 2009 -2013 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 18/07/2008 là phù hợp với đặc thù hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và KBNN đã ban hành đồng bộ văn bản quy định, hướng dẫn cơ chế tài chính về quản lý tài chính và biên chế để thống nhất triển khai thực hiện trong toàn hệ thống KBNN.

Cơ chế quản lý tài chính giai đoạn 2009 -2013 đã tạo điều kiện cho KBNN tăng cường quản lý kinh phí, chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm và chủ động trong khai thác nguồn thu để đảm bảo kinh phí cho hoạt động thường xuyên, đồng thời từng bước tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền vốn và tài sản của Nhà nước giao cho Kho bạc quản lý, từng bước hiện đại hoá kho bạc phù hợp với xu thế phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, thực hiện tốt công tác công khai, dân chủ và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cán bộ KBNN, thực hiện tốt Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hệ thống KBNN luôn được sự quan tâm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy tổ chức hợp lý, hiệu quả và giao đủ số lượng chỉ tiêu biên chế theo yêu cầu nhiệm vụ. Trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao, KBNN tổ chức việc quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành. Từ năm 2008, hệ thống KBNN được giao thêm một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng như: Thực hiện tổng kế toán nhà nước, quản lý ngân quỹ, tổ chức quản trị và vận hành hệ thống quản lý thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, khối lượng công việc tăng nhiều nhưng KBNN đã cân đối và tổ chức sắp xếp lao động hợp lý trong hệ thống KBNN một cách hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

KBNN có tổ chức bộ máy thành hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, theo các cấp hành chính đến cấp huyện, có truyền thống đoàn kết từ ngày đầu thành lập. Hầu hết CBCC KBNN không phân biệt cấp độ, quản lý, luôn phấn đấu công tác, rèn luyện vì mục tiêu chung của cả hệ thống. Quy mô nguồn nhân lực KBNN ngày càng tăng theo yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ; chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện, phần lớn được đào tạo cơ bản, chuyên ngành phù hợp nhiệm vụ được giao, độ tuổi chủ yếu từ 30 -50 nên có kinh nghiệm làm việc và có thời gian để phát triển và phấn đấu.

Hệ thống các quy trình nghiệp vụ KBNN luôn được nghiên cứu, cải tiến và được phổ biến, cập nhật thường xuyên; trang thiết bị và điều kiện làm việc của CBCC được nâng cấp và trang bị mới đảm bảo cho CBCC phát huy tốt nhất khả năng hiện có để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế 2009 -2013 cũng gặp phải không ít khó khăn mặc dù đã có sự tập trung nhân lực cho xây dựng và triển khai cơ chế chính sách trên các mặt nghiệp vụ KBNN, nhưng thực tế KBNN vẫn thiếu cả số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách, nghiên cứu triển khai chính sách mang tính cải cách lớn. Nguồn nhân lực khá giỏi bị co kéo do phải tập trung cùng thời điểm nhiều dự án, đề án trọng tâm của ngành.

Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn kinh phí để thực hiện chiến lược phát triển của hệ thống KBNN là rất lớn, tuy nhiên nguồn kinh phí của KBNN còn hạn chế. Hệ thống KBNN phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả, đề ra nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm triệt để trong chi thường xuyên, cắt giảm các nội dung chi chưa thật cần thiết, kéo dài tuổi thọ tài sản được trang bị để thực hiện thành công Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đã được Chính phủ phê duyệt.

Không những thế, thời gian triển khai cơ chế quản lý tài chính của hệ thống KBNN các giai đoạn còn ngắn, vì vậy cần có một sự ổn định về cơ chế quản lý tài chính và biên chế để KBNN thực hiện tốt mục tiêu chiến lược phát triển, tạo nguồn lực tài chính để thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hoá KBNN.

Chế độ của Nhà nước, của KBNN về chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ giỏi làm công tác hoạch định và triển khai các đề án chính sách, cơ chế tài chính, cho cán bộ xây dựng, triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin, cho cán bộ làm nhiệm vụ mang tính hoạt động đặc thù còn chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa hợp lý nên KBNN chưa thu hút, động viên được đối với CBCC có trình độ chuyên môn cao. Căn cứ phương án, đề xuất của Bộ Tài chính, ý kiến tham gia của các Bộ (Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ) và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép KBNN được áp dụng cơ chế quản lý tài chính và biên chế từ năm 2014.

Tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2013), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình số 1212/TTr- TTg ngày 6/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 1388/BC-UBTCNS13 ngày 19/08/2013 của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách về cơ chế quản lý tài chính và biên chế của KBNN từ năm 2014. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống KBNN giai đoạn 2009 - 2013, phương án cơ chế quản lý tài chính và biên chế của KBNN từ năm 2014.

Trong đó lưu ý một số nội dung cơ bản: Biên chế và lao động của hệ thống KBNN từ năm 2014 ổn định theo chỉ tiêu biên chế và lao động đã được Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao đến ngày 31/5/2013. KBNN từng bước tổ chức định biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, đồng thời quán triệt và thực hiện theo Kết luận Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khoá XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong trường hợp đặc biệt, khi Chính phủ giao thêm nhiệm vụ mới hoặc Nhà nước có quyết định chia tách địa giới hành chính, phải thành lập bổ sung KBNN cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ bổ sung biên chế cho KBNN. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí của KBNN thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Hàng năm, khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hệ thống KBNN được thể hiện trong kinh phí của Bộ Tài chính trình Quốc hội xem xét, quyết định; việc phân bổ và giao chi tiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định; đồng thời hàng năm Chính phủ tổng hợp và báo cáo kết quả trong dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội. Cơ cấu chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hoá KBNN phải bảo đảm chi thường xuyên tối đa không quá 70% dự toán được giao. Kinh phí chi đầu tư phát triển được quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.

Ngân sách nhà nước cấp bảo đảm chi một lần tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ Nhà nước trên cơ sở chỉ tiêu biên chế và lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao. KBNN được sử dụng nguồn thu hoạt động nghiệp vụ để cân đối chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hoá KBNN.

Mức chi tiền lương, tiền lương bình quân của toàn hệ thống KBNN áp dụng không vượt quá 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định và được chi bổ sung tăng thu nhập từ kinh phí tăng thu tiết kiệm chi không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do những quy định. Tiền lương tăng thêm và bổ sung thu nhập không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ. Mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức KBNN được điều chỉnh phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương của Nhà nước và chấm dứt khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

Để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý tài chính và biên chế của KBNN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 54/2013/QĐ-TTg ngày 19/9/2013 về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế của KBNN với mục tiêu và yêu cầu KBNN thực hiện tốt các chức năng: Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính và các quỹ khác của Nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; Tổng kế toán Nhà nước; huy động vốn cho ngân sách nhà nước; quản lý tài sản quốc gia quý hiếm.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với hoạt động KBNN; thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị trong tổ chức công việc, sử dụng lao động và sử dụng các nguồn lực tài chính.

Chủ động sử dụng nguồn kinh phí được giao, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung đầu tư thực hiện Chiến lược phát triển KBNN; bảo đảm xây dựng kho tàng, trụ sở giao dịch an toàn, hiện đại; bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin, trang bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hoá công nghệ quản lý nhằm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ nhà nước giao, đủ điều kiện hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và từng bước bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức.

Thực hiện công khai dân chủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức KBNN. Trên cơ sở kết quả đã đạt được từ cơ chế quản lý tài chính và biên chế giai đoạn 2009 – 2013 và những mục tiêu, yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành. Từ năm 2014, CBCC KBNN sẽ tiếp tục tập trung, ổn định nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là “ xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính…

Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 139+140