Đăng ký thuế - nguyên tắc cốt lõi

Thứ nhất, cần thống nhất cách hiểu: Đăng ký thuế là việc người nộp thuế (NNT) kê khai những thông tin của NNT theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo các quy định của pháp luật. Mục đích của việc đăng ký là cơ quan quản lý thuế có được thông tin về NNT, đưa vào hệ thống dữ liệu quản lý tập trung, thống nhất trong cả nước. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế thực hiện việc cung cấp các thông tin, dịch vụ hỗ trợ để phục vụ NNT, đồng thời áp dụng công nghệ quản lý phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi chung của toàn xã hội, trong đó có quyền lợi của NNT và các đối tác làm ăn với NNT.

Thứ hai, đối với NNT: Kết quả trực tiếp của việc đăng ký thuế là việc họ sẽ nhận được các giấy tờ, tài liệu, hoặc số liệu cần thiết do cơ quan thuế cấp, như: Giấy chứng nhận đăng ký thuế, Thông báo mã số thuế (MST), Thẻ MST cá nhân. Từ MST được cấp, NNT sẽ thực hiện được các giao dịch tiếp theo với Nhà nước (như khai thuế, nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế).

Thứ ba, những ai phải thực hiện đăng ký thuế? Đó là NNT, không phân biệt họ phải nộp loại thuế nào, nộp bao nhiêu. Trường hợp NNT không có mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác nộp các giấy tờ đăng ký thuế. Với trường hợp người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có nghĩa vụ nộp thuế, trả thuế cho Việt Nam thì đối tác của họ thực hiện việc nộp thuế thay sẽ là người phải đăng ký thuế, đây là thông lệ chung được các nước trên thế giới áp dụng. Thông tư số 80/2012/TT-BTC quy định rõ 7 loại đối tượng phải đăng ký thuế, đó là: (1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ, hàng hoá; (2) Cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; (3) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế vào NSNN theo quy định của pháp luật; (4) Tổ chức được ủy quyền thu phí, lệ phí; (5) Tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với luật pháp Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam; (6) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vấn đề về thuế như: các Ban quản lý dự án, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, cá nhân không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế nhưng được hoàn thuế, hoặc được tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài; (7) Tổ chức, cá nhân khác có phát sinh khoản phải nộp NSNN.

Đối với NNT sử dụng đất phi nông nghiệp, lẽ ra phải thực hiện việc đăng ký với cơ quan thuế nhưng chúng ta giao cho cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan để cấp MST cho người nộp.

Thứ tư, đăng ký thuế khi nào? Đọc toàn văn Thông tư và phân tích kỹ từng chương thì người trong nghề hiểu được rằng lần đầu tiên ra kinh doanh hoặc phát sinh nghĩa vụ thuế là phải đăng ký rồi, khi đã có MST hoặc giấy tờ liên quan nhưng nếu có sự thay đổi thông tin thì đều phải đăng ký để cơ quan thuế bổ sung, điều chỉnh trong hệ thống quản lý. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn cho cả cơ quan thuế và NNT nếu như trong phần quy định chung của Thông tư số 80/2012/TT-BTC được bổ sung một nội dung ngắn gọn để trả lời câu hỏi trên: Một là, đăng ký lần đầu để được cấp MST hoặc bắt đầu phát sinh nghĩa vụ thuế; Hai là, đăng ký bổ sung thông tin trong mọi trường hợp NNT có thay đổi về địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, có thêm cơ sở kinh doanh phụ thuộc, có thêm hợp đồng ký với nhà thầu nước ngoài (phải nộp thuế nhà thầu)… Ba là, đăng ký để được cấp lại giấy tờ thuế (Giấy chứng nhận đăng ký thuế) trong trường hợp bị mất, thất lạc, nhàu nát hoặc sai sót thông tin…

Mã số thuế

Điều 3 Thông tư số 80/2012/TT-BTC quy định MST là một dãy các chữ số được mã hoá theo một nguyên tắc thống nhất để cấp cho từng NNT theo quy định của các Luật Thuế, Pháp lệnh phí và lệ phí (gọi chung là “pháp luật về thuế”), bao gồm cả người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. MST để nhận biết, xác định từng NNT và được quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tại nhiều nước trên thế giới MST không chỉ dùng riêng cho quản lý thuế mà thông thường được Nhà nước sử dụng chung trong quản lý thống nhất các lĩnh vực của đời sống xã hội, kết hợp nhiều mục đích như an sinh xã hội, lao động, việc làm, cư trú, đi lại, hôn nhân, quan hệ huyết thống, thừa kế, tài sản… Trong điều kiện ở nước ta, hiện nay hệ thống MST trước mắt sẽ đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý thuế nhưng về lâu dài, có thể sử dụng làm phông/nền cho việc mở rộng sang các lĩnh vực quản lý khác.

Về mặt kỹ thuật, MST được cấu trúc là một dãy số được chia thành các nhóm chữ số phân khoảng theo yêu cầu quản lý: Ví dụ, 2 chữ số đầu (N1N2) với dung lượng 100 số phân loại theo địa bàn cấp tỉnh; nhóm 7 chữ số tiếp theo là N3N4N5N6N7N8N9 được đánh theo số thứ tự từ 0000001 đến 9999999 và chữ số N10 làm chức năng chữ số kiểm tra. MST có mười chữ số N1N2 N3N4N5N6N7N8N9N10 chính là một MST độc lập được cấp cho NNT là cá nhân hoặc NNT là pháp nhân độc lập (đơn vị chính). Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999 (cách 01 khoảng so với nhóm 10 chữ số đầu) được cấp cho từng đơn vị trực thuộc của đơn vị chính và DN thành viên. Như vậy, nhìn vào MST có thể biết ngay được địa vị pháp lý của người nộp thuế: với MST 13 chữ số chúng ta sẽ biết ngay MST của NNT là đơn vị phụ thuộc và cơ quan chủ quản cấp trên của anh ta (10 chữ số đứng trước 3 chữ số cuối cùng).

Quy định về nguyên tắc của việc cấp và quản lý mã số thuế

Thứ nhất, NNT dù là tổ chức hay cá nhân được cấp một MST duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hoạt động. MST được dùng để khai thuế, nộp thuế cho tất cả các loại thuế mà NNT phải nộp, kể cả trường hợp NNT kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khác nhau.

Thứ hai, MST đã cấp không được sử dụng để cấp cho NNT khác. Tổ chức kinh doanh khi chấm dứt hoạt động thì MST chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại. Đối với NNT là DN thành lập và hoạt động theo Luật DN thì MST đồng thời là mã số DN. MST của DN sau khi chuyển đổi loại hình DN được giữ nguyên.

Thứ ba, MST đã cấp cho NNT là chủ hộ kinh doanh hoặc một cá nhân sẽ không thay đổi trong suốt cả cuộc đời của cá nhân đó, kể cả trường hợp đã ngừng hoạt động kinh doanh sau đó kinh doanh trở lại. Quy định này không những mang lại lợi ích thiết thực cho người dân là sự đơn giản, thuận tiện, không làm tăng chi phí quản lý mà còn mở ra khả năng tiến tới hợp nhất với các mã số thuộc nhiều lĩnh vực khác thành mã số công dân.

Thứ tư, việc cấp MST phải bảo đảm sự phù hợp với đặc điểm của từng loại đối tượng, đáp ứng được yêu cầu quản lý tập trung và thuận tiện cho NNT. Cụ thể: Một là, loại MST 10 số được cấp cho cá nhân và tổ chức có đủ tư cách pháp nhân (pháp nhân độc lập); Hai là, loại MST 13 số được cấp cho các đơn vị phụ thuộc của NNT là pháp nhân độc lập. Đối với những trường hợp đặc thù như NNT là nhà thầu nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia các hợp đồng dầu khí hoặc bên Việt Nam nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, có quy định cụ thể cho từng loại hình tại điểm (d), điểm (đ) và điểm (e) thuộc khoản 3, điều 3 của Thông tư số 80/2012/TT-BTC.

Về thời hạn, thời gian giải quyết và yêu cầu hồ sơ đăng ký thuế

Thời hạn đăng ký thuế quy định tại điều 4 của Thông tư số 80/2012/TT-BTC bảo đảm tính kế thừa quy định của Thông tư số 85/2007, đồng thời thể hiện sự thống nhất trong thực thi pháp luật về DN và pháp luật thuế. Theo đó, các DN thành lập, hoạt động theo quy định của Luật DN sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký DN. Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh, phát sinh nghĩa vụ nộp thuế, được hoàn thuế thì thực hiện đăng ký thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc được quy định cụ thể với từng trường hợp.

Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký được rút ngắn xuống còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký theo quy định (áp dụng chung đối với các thủ tục tổ chức, sắp xếp lại DN và chấm dứt hiệulực mã số thuế) thay cho khoảng thời gian từ 5 đến 10 ngày trước đây.

Quy định về hồ sơ đăng ký thuế có nhiều điểm mới, đó là: (i) Số lượng bộ hồ sơ được rút xuống chỉ còn 01 (một) bộ hồ sơ duy nhất áp dụng chung đối với các thủ tục tổ chức, sắp xếp lại DN và chấm dứt hiệu lực mã số thuế; (ii) Từng loại giấy tờ trong bộ hồ sơ được liệt kê chi tiết đối với 11 trường hợp cụ thể của người nộp thuế, tương ứng với từng mẫu khai; (iii) Đối với những giấy tờ do cơ quan khác cấp cần phải có trong bộ hồ sơ (như Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng minh nhân dân) thì chỉ cần bản sao không yêu cầu chứng thực.

Chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Chấm dứt hiệu lực MST là thủ tục cơ quan thuế xác định MST không còn giá trị sử dụng trong hệ thống dữ liệu đăng ký thuế của ngành Thuế. Cơ quan thuế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế (GCNĐKT) và thông báo công khai danh sách các MST chấm dứt hiệu lực sử dụng. Với quy định này, các DN khi mua - bán hàng hoá dịch vụ hoặc có dự kiến ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân thì có thể truy cập vào mạng của ngành Thuế để tự kiểm tra tư cách của đối tác, có thể phát hiện ngay trên hoá đơn đầu vào tình trạng của đối tác thông qua tra cứu MST.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh chấm dứt hoạt động, tổ chức sắp xếp lại DN phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực MST. Một tổ chức sau khi đã làm thủ tục chấm dứt hiệu lực MST, nếu có nhu cầu hoạt động trở lại thì phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp MST mới. Thông tư số 80/2012/TT-BTC có những quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục khi chấm dứt hiệu lực MST trong các trường hợp chia, tách, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động... để NNT có thể đối chiếu, biết được các công việc cần triển khai. Điểm mới trong thủ tục chấm dứt hiệu lực MST là ở chỗ NNT không phải làm thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của Tổng cục Hải quan (trước đây phải có xác nhận nếu DN có chức năng hoạt động xuất, nhập khẩu).

Đối với cá nhân chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, cơ quan thuế trực tiếp quản lý thực hiện chấm dứt hiệu lực MST theo quy định. Cá nhân sau khi đã làm thủ tục chấm dứt hiệu lực MST, nếu phát sinh nghĩa vụ thuế thì thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan thuế để được sử dụng lại MST đã được cấp trước đây. Do MST gắn với số hiệu của Giấy chứng minh nhân dân, cho nên mọi người đều có thể tìm được MST của chính mình thông qua mạng của ngành Thuế.

Thủ tục đối với trường hợp tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp

Theo quy định của Luật DN thì có nhiều trường hợp tổ chức, sắp xếp lại DN như chia, tách, sáp nhập, hợp nhất DN. Chủ sở hữu DN cũng có quyền quyết định mua/bán DN hoặc tổ chức lại như chuyển đơn vị trực thuộc thành độc lập hoặc ngược lại. Trong quá trình hoạt động, nếu như DN có khó khăn không thể kinh doanh liên tục nhưng họ chưa muốn rút lui khỏi thị trường, DN có quyền đăng ký tạm ngừng kinh doanh.

- Với trường hợp chia DN: DN bị chia phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực MST với cơ quan thuế khi có Quyết định chia DN, ngược lại DN mới được chia sẽ phải làm thủ tục đăng ký mới.

- Đối với trường hợp sáp nhập: DN nhận sáp nhập sẽ giữ nguyên MST và phải chịu toàn bộ trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của các DN bị sáp nhập; đồng thời, các DN bị sáp nhập sẽ bị chấm dứt hiệu lực MST bởi chúng sẽ không tồn tại sau khi sáp nhập.

- Với trường hợp mua - bán DN thì bản thân DN được bán vẫn đang tồn tại và chỉ thay đổi chủ sở hữu, do vậy MST của DN giữ nguyên sau khi bán. Đối với trường hợp một DN trực thuộc sau khi bán trở thành một DN độc lập, hoặc một DN sau khi bán trở thành một DN trực thuộc của DN khác thì thực hiện đăng ký thuế lại để được cơ quan thuế cấp MST mới. Trước khi chuyển đổi phải thực hiện quyết toán thuế và làm thủ tục chấm dứt hiệu lực MST…

Thông tư số 80/2012/TT-BTC: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế

ThS. Nguyễn Văn Phụng

TCTC Online - Kể từ ngày 01/07/2012, đăng ký thuế sẽ được thực hiện theo Thông tư số 80/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012. Theo đó, ngoài các quy định mang tính nguyên tắc chung, có 4 nội dung lớn được quy định cụ thể là: Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thuế; Thay đổi thông tin đăng ký thuế; Chấm dứt hiệu lực mã số thuế; và trách nhiệm quản lý và sử dụng mã số thuế.

Xem thêm

Video nổi bật