Về chuyển đổi kỳ tính thuế TNDN

Theo quy định tại Thông tư 130/2008/TT-BTC kỳ tính thuế của doanh nghiệp (DN) được xác định theo năm dương lịch; trường hợp DN áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng. Vấn đề này đã được quy định rõ hơn tại Thông tư 123/2012/ TT-BTC: Trường hợp DN thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì kỳ tính thuế TNDN của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng. DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN mà có thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thì DN được lựa chọn: Ưu đãi trong năm chuyển đổi kỳ tính thuế hoặc nộp thuế theo mức thuế suất phổ thông của năm chuyển đổi kỳ tính thuế và hưởng ưu đãi thuế sang năm tiếp theo.

Trường hợp DN lựa chọn giảm 50% thuế theo kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2012 thì DN tiếp tục thực hiện giảm 50% thuế TNDN năm chuyển đổi và năm tính thuế tiếp theo (năm tài chính 2012 từ 1/4/2012 đến 31/3/2013). Trường hợp DN lựa chọn không hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN đối với kỳ tính thuế TNDN năm chuyển đổi 2012 (kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2012 kê khai nộp thuế theo mức thuế suất phổ thông) thì DN được giảm 50% thuế TNDN năm tài chính 2012 (từ 1/4/2012 đến 31/3/2013) và năm tài chính 2013 (từ 1/4/2013 đến 31/3/2014).

Về xác định thu nhập tính thuế

Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế TNDN với mức thuế suất 25%, không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, không được bù trừ với thu nhập hoặc lỗ của các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Trường hợp DN có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản; chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật thì được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau.

Về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế

Trước đây, khi Thông tư 123/2012/TT-BTC chưa ban hành, quy định vấn đề này là doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước. Đến nay được sửa đổi, việc quy định về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản mà bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm. Cụ thể, đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần. DN căn cứ điều kiện thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ thực tế và việc xác định chi phí, có thể lựa chọn một trong hai phương pháp xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau: (i) là số tiền cho thuê tài sản của từng năm được xác định bằng (=) số tiền trả trước chia (:) số năm trả tiền trước; (ii) Là toàn bộ số tiền cho thuê tài sản của số năm trả tiền trước.

Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

- Hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, phải nằm trong định mức do DN xây dựng thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên vượt quá định mức do DN xây dựng thì phần vượt định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

- Khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định trong nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Điều kiện được trích khấu hao đối với công trình trên đất như trụ sở văn phòng, nhà xưởng, cửa hàng kinh doanh phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được xây dựng trên đất thuê, đất mượn của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (không trực tiếp thuê đất của nhà nước hoặc thuê đất trong khu công nghiệp), cụ thể: “Có hợp đồng thuê đất, mượn đất giữa DN với đơn vị có đất và đại diện DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hợp đồng.”

Trường hợp TSCĐ thuộc quyền sở hữu của DN đang dùng cho SXKD nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 9 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó DN được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. DN phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.

Trước đây, hợp đồng thuê đất, mượn đất được công chứng tại cơ quan công chứng theo quy định của pháp luật; thời gian thuê, mượn trên hợp đồng không được thấp hơn thời gian trích khấu hao tối thiểu của tài sản cố định. DN phải có thông báo gửi cơ quan thuế nêu rõ lý do tạm dừng của TSCĐ chậm nhất khi nộp hồ sơ kê khai quyết toán thuế TNDN theo quy định của năm có tài sản tạm thời dừng.

Trường hợp DN mua tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình, còn TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc thì nguyên giá là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ hữu hình vào sử dụng. Giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá ghi trên hợp đồng mua tài sản, phù hợp với giá thị trường nhưng không được thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm mua tài sản. Trường hợp DN mua tài sản cố định hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài không tách riêng được giá trị quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng được xác định theo giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm mua tài sản.

Về chi phí tiền lương

Thông tư số 123/2012/TT-BTC sửa đổi quy định về nội dung trích lập quỹ dự phòng 17% trên quỹ tiền lương thực hiện để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề, cụ thể: Giải thích rõ quy định về quỹ tiền lương thực hiện. Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (theo quy định hiện hành là 31 tháng 3 hàng năm) (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Các khoản chi khác:

Thông tư số 123/2012/TT-BTC bổ sung các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, bao gồm: Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển… không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên DN được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 2 năm.

- Trường hợp DN có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán của DN có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.

- Khoản hoa hồng trả cho nhà phân phối của các công ty bán hàng đa cấp được tính toàn bộ vào chi phí được trừ. Đối với tổ chức nhận được khoản hoa hồng thì phải kê khai tính vào thu nhập chịu thuế, đối với cá nhân được nhận hoa hồng thì phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả thu nhập. Trước đây, bị khống chế 10% trên tổng chi phí.

- Chi báo biếu, báo tặng cho các đối tượng là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh; cán bộ, chiến sĩ ở hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tính vào chi phí được trừ, không bị khống chế. Trước đây, bị khống chế 10% trên tổng chi phí.

- Trường hợp DN có các khoản thực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của DN, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của DN, phí thực hiện tư vấn, khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của DN thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhâp chịu thuế. Trước đây, không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Thông tư số 123/2012/TT-BTC có bổ sung các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, bao gồm: Khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (trừ trường hợp DN không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật được phép trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm). Trước đây, DN vẫn được trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Thông tư số 82/2003/TT-BTC ngày 14/08/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng và hạch toán Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm tại DN.

Về xác định các khoản thu nhập

Chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất) là phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản ghi trên sổ sách kế toán và tính một lần vào thu nhập khác trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có tài sản đánh giá lại. Chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất để điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN; để góp vốn vào các dự án đầu tư xây dựng nhà, hạ tầng để bán tính một lần vào thu nhập khác trong kỳ tính thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có quyền sử dụng đất đánh giá lại.

Riêng chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất góp vốn vào DN để thực hiện sản xuất kinh doanh được tính dần vào thu nhập khác của DN có quyền sử dụng đất đánh giá lại trong thời gian tối đa không quá 10 năm kể từ năm giá trị quyền sử dụng đất được đem góp vốn. DN phải có thông báo số năm DN phân bổ vào thu nhập khác khi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN của năm bắt đầu kê khai khoản thu nhập này. Trường hợp nếu bên góp vốn thực hiện chuyển nhượng vốn góp trước thời hạn 10 năm thì thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào thu nhập kinh doanh bất động sản trong kỳ. DN nhận tài sản góp vốn, nhận tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN được trích khấu hao hoặc phân bổ dần vào chi phí theo giá đánh giá lại (trừ trường hợp giá trị quyền sử dụng đất không được trích khấu hao theo quy định).

Thông tư 123/2012/TT-BTC bổ sung một số khoản thu nhập khác bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); thu nhập từ chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật: được xác định thuộc nhóm thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản không được bù trừ với thu nhập hoạt động kinh doanh và thu nhập khác của DN; Hoàn nhập các khoản dự phòng (trừ hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ khó đòi; Hoàn nhập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, đã trích nhưng hết thời gian trích lập không sử dụng hoặc sử dụng không hết; Hoàn nhập trích lập quỹ dự phòng tiền lương).

Về xác định lỗ và chuyển lỗ

- DN sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì phải chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ; DN tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập chịu thuế của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm; DN có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế TNDN, DN xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.

- DN chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu (kể cả giao, bán DNNN), sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền. Số lỗ của DN phát sinh trước khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập chịu thuế cùng năm của DN sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo của DN sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

- DN là liên doanh của nhiều DN khác, khi có quyết định giải thể mà bị lỗ thì số lỗ được phân bổ cho từng DN tham gia liên doanh. DN tham gia liên doanh được tổng hợp số lỗ phân bổ từ cơ sở liên doanh vào kết quả kinh doanh của mình khi quyết toán thuế nhưng đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ của DN liên doanh.

Về thuế suất thuế TNDN

Thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm (trừ dầu khí) áp dụng thuế suất 50%; Trường hợp các mỏ có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ áp dụng thuế suất thuế TNDN 40%.

Về thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán

Trường hợp công ty cổ phần thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn thì phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá không tính thuế TNDN. Trường hợp công ty cổ phần tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập mà thực hiện hoán đổi cổ phiếu tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập nếu phát sinh thu nhập thì phần thu nhập này phải chịu thuế TNDN. Trường hợp DN có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.

Về thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản

DN thuộc diện chịu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: DN thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi ngành nghề có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản; DN kinh doanh bất động sản có thu nhập từ hoạt động cho thuê lại đất. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; Thu nhập từ hoạt động cho thuê lại đất của DN kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay không có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất; Thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó nếu không tách riêng giá trị tài sản khi chuyển nhượng không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; Thu nhập từ chuyển nhượng các tài sản gắn liền với đất; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhà ở; Thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó nếu không tách riêng giá trị tài sản khi chuyển nhượng không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất.

Trước đây, Thông tư số 130/2008/TT-BTC chỉ quy định, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất: không nói rõ gồm cả chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Về ưu đãi thuế TNDN

DN thành lập mới từ dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế TNDN là DN đăng ký kinh doanh doanh lần đầu, trừ các trường hợp sau: DN thành lập do chuyển đổi hình thức DN, chuyển đổi sở hữu (bao gồm cả trường hợp thành lập DN mới nhưng tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh... vẫn kế thừa của DN cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh). Thông tư 123/2012/TT-BTC bổ sung, bao gồm cả trường hợp thành lập DN mới nhưng tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh... vẫn kế thừa của DN cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh không được ưu đãi thuế TNDN...

Việc ưu đãi thuế TNDN không áp dụng đối với các khoản thu nhập khác; thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác; thu nhập từ kinh doanh trò chơi có thưởng, cá cược theo quy định của pháp luật; thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản; thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/9/2012 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2012 trở đi.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính 9/2012 

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Bổ sung, sửa đổi nhiều quy định mới

ThS. PHẠM THỊ THÚY HẰNG, ThS. ĐƯỜNG THỊ QUỲNH LIÊN

(Tài chính) Ngày 27/7/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 123/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Với nhiều quy định được sửa đổi, thay thế, bổ sung mới, văn bản này có ý nghĩa hết sức quan trọng tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Xem thêm

Video nổi bật