Những kết quả đáng ghi nhận

SCIC chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006 theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2006-2011, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp (DN); thực hiện đánh giá, phân loại và tái cơ cấu vốn nhà nước tại DN thông qua bán vốn tại gần 520 DN, trong đó bán hết vốn tại 466 DN với giá trị sổ sách bán vốn khoảng 1.280 tỷ đồng. Số tiền thu về đạt khoảng 2.770 tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với mệnh giá.

Tổng tài sản của SCIC tăng hơn 8 lần do tăng vốn chủ sở hữu và tập trung đôn đốc thu nợ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN trung ương; nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần 6 lần do bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận tích lũy từ hoạt động đầu tư kinh doanh, thặng dự bán vốn. Lợi nhuận sau thuế năm 2010 đạt 2.282 tỷ đồng tăng trên 20 lần so với năm 2006. Tổng giá trị vốn nhà nước theo giá trị sổ sách do SCIC quản lý đã tăng trên 2 lần, từ khoảng 7.500 tỷ lên trên 15.000 tỷ đồng.

Tiếp tục đổi mới, tạo động lực để SCIC phát huy hiệu quả - Ảnh 1

Tổng vốn đầu tư của SCIC đạt trên 6.000 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như: mua cổ phiếu, trái phiếu của các DN; góp vốn thành lập DN mới; đầu tư tăng vốn tại các DN có lợi thế trong sản xuất kinh doanh với vai trò cổ đông nhà nước; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như: năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao... SCIC đã hợp tác cùng Tập đoàn Điện lực (EVN) đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh; đang xúc tiến phối hợp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để triển khai các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Không chỉ thực hiện tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại DN, SCIC còn giúp đem lại các giá trị gia tăng cho DN thông qua việc giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thông qua đó gia tăng giá trị của DN và phần vốn nhà nước tại DN.

Năm 2012, hoạt động của SCIC tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá trên nhiều lĩnh vực: lợi nhuận trước thuế đạt 4.582 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.974 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011, dù có tới 96% nguồn thu của SCIC là từ gửi tiết kiệm (1.568 tỷ đồng) và cổ tức (2.151 tỷ đồng, trong đó cổ tức Vinamilk là 1.001 tỷ đồng, FPT Telecom 175 tỷ đồng, VinaRE –VNR- 61 tỷ đồng, Dược Hậu Giang - DHG 57 tỷ đồng, Bảo Minh-BMI - 46 tỷ đồng, FPT mẹ - 47 tỷ đồng). Ngoài ra, hoạt động bán vốn nhà nước của SCIC cũng thu về cho SCIC 170 tỷ đồng…

Tiếp tục đổi mới, tạo động lực để SCIC phát huy hiệu quả - Ảnh 2

Đổi mới để hoạt động hiệu quả hơn nữa

Trong thời gian tới, SCIC đứng trước yêu cầu đẩy mạnh đổi mới và nâng cao năng lực quản trị thực tế để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, tham gia đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, huy động vốn, cung cấp các tư vấn tài chính, dịch vụ hỗ trợ khác; nâng cao hiệu quả vai trò là cổ đông năng động của DN có vốn đầu tư nhà nước, nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp và thúc đẩy việc quản trịDN theo chuẩn mực quốc tế… Với tinh thần đó, cần đặc biệt chú ý những khía cạnh sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, nâng cao trình độ cán bộ, nhất là làm rõ trách nhiệm của người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN. Đặc biệt, cần nghiên cứu đổi mới tổ chức và chức năng SCIC theo lĩnh vực, nhóm ngành kinh tế-xã hội, nâng dần tính tập trung một đầu mối và tính chuyên nghiệp trong quản lý; cần bảo đảm sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN; khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để tổ chức và quản lý DNNN…

Thứ hai, hoạt động của SCIC không đơn thuần và chủ yếu chỉ là đầu tư kinh doanh vốn nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận tại các DN mà SCIC phải là công cụ đắc lực thúc đẩy thực hiện việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, SCIC phải là công cụ, kênh truyền vốn để Nhà nước chủ động trong việc điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và đầu tư của các DNNN, cũng như sử dụng vốn nhà nước nói riêng theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực thật sự then chốt, trọng yếu của nền kinh tế; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn.

Thứ ba, SCIC cần chủ động và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai ngay các chương trình hành động và đề án tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao; Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường với các DNNN; Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác và phù hợp cam kết hội nhập, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển...

Trong quá trình tái cơ cấu và quản lý DNNN “hậu tái cơ cấu”, nâng cao vai trò và năng lực, trách nhiệm của của người đại diện SCIC là nhằm vừa bảo đảm an toàn vốn nhà nước, vừa không cản trở quá trình kinh doanh thị trường của DN. Điều này chỉ có thể đạt được khi dựa trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường và tuân thủ pháp luật; tách bạch chức năng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là quản lý đầu tư, tài chính, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các quy định về cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DNNN... Đồng thời, để bảo đảm các DNNN và chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra, cần hoàn thiện căn bản hệ thống công cụ và cơ chế giám sát, chế tài phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của SCIC trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác.

Tiếp tục đổi mới, tạo động lực để SCIC phát huy hiệu quả

ThS. PHAN MINH TUẤN - Tổng Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam

(Tài chính) Ngày 26/7/2010, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 78-KL/TW về Đề án tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Ngày 19/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1568/CT-TTg về việc triển khai Kết luận này. Bài viết đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới, tạo động lực để SCIC phát huy hiệu quả.

Xem thêm

Video nổi bật